NHỚ (4) – KS Phạm Hùng Dũng
Trong mấy năm ở Kỹ Thuật, lớp tê ba chỉ ra được 1 tập san duy nhất “Lối Ngại”. Bốn năm chỉ có một tờ. Nghĩ cũng bất bình thường. Trong khi nhân tài vẫn nhiều như lá thu.
Nhớ lại, đã có lắm gian truân khi ra tờ báo đầu tay này. Có lẽ vì thế mà đâm ra nhụt chí khí chăng?
Lúc đó, hình
như cô Mộng Hoàn là giáo sư hướng dẫn (tương đương giáo viên chủ nhiệm
bây giờ). Tất nhiên, là cô giáo văn chương, tác động của cô để hình
thành tờ báo của lớp là rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định. Vì đôi khi, ngoài việc bài vở còn phải nhờ đến túi tiền của cô, chớ dân học trò tay trắng, vốn liếng có là bao. Hehe.
Tôi là vai trưởng ban báo chí, đầu têu để vận động anh em viết bài, tập
hợp, biên tập chút chút, rồi đưa về cho cô xem. Giống như tổng biên tập
các báo ta bây giờ, phải trình nội dung cho tuyên huấn duyệt. Hihi. Thời
nào cũng thế thôi, lỡ học trò có bài nào chống chính thể quốc gia,
tuyên truyền cho “việt cộng” chẳng hạn, giáo sư chủ nhiệm cũng “mệt” với
đám cảnh sát, an ninh.
Và sấm sét nổ ran trên đầu. Không biết quý bằng hữu còn nhớ chăng?
Giờ văn kế đó, cô
Hoàn bỏ cả nội dung dạy, mặt hoa nổi giận phừng phừng, tay tiên cầm cả
xấp văn thơ của lớp, trích dẫn nội dung, trích đến đâu lời moral tới tấp tuôn xuống đám học trò đến đó. Nào là mới bây tuổi đã viết toàn chuyện trai gái yêu đương, nào là tâm hồn vẩn đục, không còn trong sáng của tuổi học trò, vân vân và vân vân…
Cả lớp ngồi im thin thít, ngậm đắng nuốt cay nghe lời giáo huấn của sư
mẫu. Những giấc mơ ngoài cửa lớp, lãng đãng theo một tà áo, một dáng
hình tan thành mây khói.
Tôi nghĩ thế là mọi chuyện đi tong.
Và ấm ức. Vậy đề tài chúng em là gì? Ngoài trường lớp bè bạn thầy cô,
chúng em không viết được về quê hương đang đau khổ tàn hoang này, cũng
cho chúng em những cảm xúc đầu đời của tuổi hoa niên chứ!
May thay, sư mẫu muôn đời vẫn là sư mẫu. Sau giận dữ ban đầu, sư mẫu bình tâm, duyệt xét bài vở, gật đầu thông qua.
Và sung sướng hơn nữa là sư mẫu dành cho tập san lớp một bài. Dù không
còn nhớ cụ thể nội dung, nhưng đến bây giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác nhẹ
nhàng, êm đềm và bình an khi đọc bài văn đó với hai câu thơ Huy Cận
trong Tình Tự:
Sớm hôm nay hồn em như tủ áo
Ý trong veo là lượt xếp làm đôi
Vậy là ổn, bắt đầu qui trình thực hiện. Thuê người đánh máy trên giấy
stencil, vẽ minh họa, viết tay các đầu bài cho bay bướm, kiếm tiệm quay
roneo, tìm nơi đóng tập xén giấy…
Hình như có lập ban báo chí, hay ban biên tập (?): Phạm Hùng Dũng, Nguyễn Sanh Ngọc, Dương Đăng Cả, Lê Hữu Đốc, Hoàng Như Ngân… còn ai nữa, nếu quên xin bổ sung giùm.
Tên tập báo là “Lối Ngại”: những lối đường đi mới, đầy ngại ngùng của tuổi học trò. Do thằng tui đặt hay sao á!
Rồi đến bìa báo.
Ngày đó phương tiện in ấn duy nhất của học trò là quay ronéo. Không cách gì nghĩ đến chuyện in bằng sắp chữ bản kẽm; cliché, offsette thôi đừng có mơ.
Cái bìa xịn nhứt cũng chỉ quay ronéo (mực đen, xanh, đỏ thì tùy, một
hoặc hai màu thôi nghen), in trên giấy bìa dày (màu cũng tùy xanh vàng
trắng đỏ). Nhưng cái bìa “Lối Ngại” là một cái bìa độc đáo và hấp dẫn.
Độc đáo và hấp dẫn nhứt làng báo học sinh Đà Nẵng, hoặc có thể nói không
ngoa là cả miền Nam ngày đó.
Một bước ngoặt của công nghệ làm bìa báo (tất nhiên chỉ của đám học sinh thôi).
Vì đó là một cái bìa in màu. Nhiều màu. Không thua kém gì màu offsette.
Nó như thế nào? Anh em nào nhớ nhớ quên quên xin… xem hồi sau sẽ rõ!!!
Phạm Hùng Dũng
Nha Trang
04/6/2010
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét