GS_Lê Đình Thọ |
Đà Nẵng đã thay đổi như từ vóc dáng hiền hòa, từ tốn của một cô gái hồn nhiên để trở thành một thiếu nữ lịch duyệt, nhanh nhẹn và biết điểm trang.
Không gian Đà Nẵng ngày xưa, sáng chiều như phảng phất vị mặn của gió biển, không có hơi hướm của xăng dầu.
Nắng của Đà Nẵng ngày xưa ấm áp mà không nóng.
Trăng của Đà Nẵng ngày thơ mộng và sáng đẹp hơn hôm nay.
Và sau hết, ở thành phố nầy ngày trước, người ta nói tiếng Đà Nẵng nhiều hơn nói tiếng của những miền khác của đất nước.
Cũng có những kỷ niệm, những hình ảnh thân gần và ít trừu tượng hơn cứ chập chờn hiện về trong trí nhớ vào những buổi tối trước khi ngủ ở một khách sạn nào đó ở bên nầy bờ sông Hàn hay sau này ở tại cái cao ốc Thanh Bình Xanh ở Mỹ Khê.
Nhớ con đường Khải Định ngày xưa từ chợ Cồn ra tới biển Thanh Bình hay đoạn trên là con đường Ông Ích Khiêm chạy từ Chợ Mới về tới đường rầy xe lửa trước cư xá Độc Lập, hai bên đường toàn là cát và cát, không có bờ lề xi măng phân cách lòng đường và lề đường.
Nhớ cái Kiosk chơ vơ ở bãi biển sau trường KT với cô hàng quán đơn lẽ mỗi ngày.
Nhớ con đường Quang Trung im mát dưới nắng hè và lổ đổ ánh trăng về đêm.
Nhớ con đường Duy Tân với những ngọn đèn đường vàng vọt, có những buổi tối trời nưa lâm râm đi qua đi lại nhiều lần trước nhà ai mà không dám gõ cửa.
Nhớ năm cây số rừng dương liểu xanh chạy dọc theo hai bên con đường từ cầu Trịnh Minh Thế đến Ngũ Hành Sơn mỗi khi ngồi trên chiếc xe Lam ba bánh chở khách đi về Non Nước.
Nhớ những buổi chiều hè xuống bến Bạch Đằng trước Tòa Thị Chính bỏ xe đạp lên chiếc ghe chạy máy đuôi tôm để qua bên kia An Hải đạp năm cây số mới tới biển Mỹ Khê.
Nhớ đám con nít và cả người lớn đứng trên Cầu Vồng đường Thống Nhất nhìn vào Sân Vận Động coi cọp những khi có trận đá banh phải mua vé mới vào được.
Nhớ lần đi coi phim Hercule ở rạp hát Hòa Bình, mai lại vào trường Kỹ Thuật bị ông Steve cố vấn Mỹ nói đã bắt gặp quả tang hôm qua đi chơi với cô gái có mái tóc dài!
Nhớ những buổi chiều tối không biết làm gì lên xích lô đi ngông một vòng quanh thành phố, lên Ngoẹo Giàng Xay, bọc về dưới Trẹm. Hai tiếng đồng hồ chỉ phải trả có mười đồng (ổ bánh mì thịt ba đồng, tô phở thì năm!).
Nhớ cái ông thợ giặt ủi ở con hẻm đường Khải Định. Đã ra Huế hai năm khi vào lại chấm thi đem áo quần đến giặt, nhìn thấy mặt, đã ghi lại đúng con số khách hàng năm xưa là 315 (trí nhớ tuyệt vời!). Tay nầy nếu có điều kiện học hành chắc không thua ai…
Nhớ cái con hẻm Chuồng Bò mà không thấy có bóng dáng con bò nào qua lại!
Nhớ những ngày tháng 3 năm 65 “quẵng phấn lại cho bảng đen”; vào ngồi dưới gốc mấy cây dương liểu già trong trại nhập ngũ số 1, chiều chiều ngước nhìn lên lầu 3 trường Kỹ Thuật nhìn cô Nh, cô M, cô Tr, cô S, cô T... tà áo bay bay… Nghe tiếng hát rên rĩ của Thanh Thúy phát ra từ mấy cái loa treo trên mấy cây dương liểu của trại lính mà muốn về lại nhà vì nhớ Huế (hình như người ta muốn động viên người ra chiến trường bằng giọng ca não nề buồn bã nầy? Người làm nhiệm vụ tâm lý chiến ở đây đáng tội phải bỏ tù).
Chợ Diên Hồng ngày trước
Từ 1967, Đà Nẵng bắt đầu có những Snack Bar với nhi nhô lính tráng nước ngoài. Tiếng máy bay quân sự lên xuống phi trường làm mất đi bầu không khí yên bình của thành phố. Những quả đạn pháo kích ban đêm từ đâu bắn vào thường không trúng mục tiêu mà chỉ được làm cho dân thường sợ hải và làm cho những chị gà mái trong các trại gà nín đẻ mà thôi (trại gà Gia Thụy bị phá sản từ đó).
Nhớ năm 1965 khi nhận lệnh gọi nhập ngũ vào Đà Nẵng, trước khi lên đường vào Thủ Đức, một buổi sáng đến thăm cô giáo dạy Toán ở đường Nguyễn Tri Phương. Sau năm ba chuyện ở phòng khách, được cô giáo rũ qua thăm cô giáo dạy Văn ở đường Hoàng Diệu: “Anh chờ chút tôi vào thay đồ!” Chỉ một thoáng cô bận áo dài đi ra. Bây giờ nghĩ lại, sao nhanh thế? Hồi đó các cô không trang điểm nhiều và lâu trước khi đi đâu như những cô gái bây giờ? Và nữa, hình như mỗi lần đi ra khỏi nhà đều là: Áo dài!
Các cô không trang điểm hay chỉ trang điểm chút ít thôi; sao mà hồi đó cô nào cũng xinh đẹp cả vậy?
Tôi vẫn dỡ ở chỗ, sau mỗi lần gặp người đẹp không bao giờ nhớ màu áo người ta mặc, cũng như đôi lúc gặp một người đàn bà nào chào mình, thấy quen quen, một lát sau mới chợt nhớ ra là vợ của một người bạn của mình! Nhưng những chi tiết khác trong những lần gặp gỡ thì thường lại nhớ rất lâu:
Trên đường qua nhà cô giáo dạy Văn phải đi đường Thái Phiên, đang đi bỗng một chiếc xe Jeep nhà binh chạy qua thật sát, hình như họ muốn chọc phá chơi. Phản ứng tự nhiên là kéo cô bạn vào phía mình để tránh nguy hiểm, làm cho cô ta đỏ má thẹn thùng. Ôi, sao cái buổi khó thật, “nam nữ thọ thọ bất thân” là vậy sao? Cho nên các anh chàng thi sĩ đa tình ngày trước chỉ cần chạm được vào tà áo của giai nhân là về nhà có thể làm được cả trăm bài thơ khóc mây than gió!
Qua thăm cô giáo dạy Văn ở đường Hoàng Diệu nói toàn chuyện mấy ông thầy giáo bị gọi động viên vào Thủ Đức khóa nầy, Kỹ Thuật có những ai, Phan Chu Trinh có những ai…Một lát sau lại được cô bạn rũ đi đến đường Pasteur thăm cô giáo dạy Pháp Văn. Lại đi bộ tiếp! Đến đây người được người đẹp rũ đi chơi đành lên tiếng thắc mắc: “Đi nhiều thế sao cô không nói trước để tôi lấy xe gắn máy chở cô đi?” Được trả lời liền: “Đi bộ cho quen, mai mốt vào quân trường còn phải đi nhiều hơn nữa đó!” Ôi, nghe sao như lời chị dạy em! Đành làm thinh vậy.
Khi đến thăm cô giáo dạy Pháp văn ở đường Pasteur được cô giáo đem ra khoe bản nhạc “Hoa Mimosa” vừa mới mua. Mấy người lâm nhâm cùng hát, không có cây đàn, cao độ không đúng, hát xong cùng cười. Có ai đó nói: Ông nhạc sĩ tác giả bài nầy mà nghe được thế nào cũng bị thưa ra tòa về tội bôi bác tác phẩm của người ta đó!
Lượt về lại cuốc bộ nữa là đương nhiên, thời buổi đó ai dám lên xích lô ngồi chung! Trên đường về cô giáo bắt đứng chờ trước cửa hiệu bán thuốc tây Trung Nguyên ở ngã tư đường Phan Chu Trinh và Hùng Vương, nhìn ra chợ Diên Hồng, để cho cô vào mua chai acetone rữa móng tay! Ngoan ngoãn đứng chờ như người học trò ngoan vòng tay đứng chờ cô giáo.
Năm 92 qua Mỹ, thời gian đầu xoay chuyển theo cuộc sống mới mất nhiều thì giờ và vô cùng bận rộn. Ký ức về mái trường năm xưa, về những kỷ niệm của một thời trai trẻ chỉ thỉnh thoảng mới thoáng qua, cho mãi đến mười năm sau, một buổi họp mặt KTĐN tại nhà anh Nguyễn Kim Dõng vào năm 2002, mới là dịp để hồi tưởng lại bao nhiêu kỷ niệm ngày trước; khi được người nầy người kia nhắc lại. Có cái cảm tưởng như được trở về lại nơi chốn cũ sau nhiều năm xa cách và sau đó đã ví von ghi lại như sau:
“Qua bao năm xa quê, nay trở về thăm chốn cũ. Gặp lại bà con chẳng nhìn được mấy người quen biết, nhưng sao trong lòng vẫn thấy vui. Người già thì thăm hỏi được mấy người; còn lớp trẻ lớn lên sau nầy phần nhiều không nhận ra được. Ấy thế nhưng khi ngồi bên nhau vẫn thấy thân quen, như thân quen tự thuở nào!
Hóa ra là vì đã có một sợi giây liên lạc vô hình. Mỗi người đều đã lớn lên từ đây, đã từng sinh sống ở nơi nầy, cũng từng đi lại trên con đường làng nầy và qua đám trẻ nhỏ đang thả diều ở bờ đê kia có hình bóng xa xưa của mỗi người lớn hôm nay. Rồi cùng nhau đi thăm lại cây đa đầu làng, cái giếng nước cuối thôn, chiếc cầu tre bắc qua con hói nhỏ…Nghe lại tiếng chim kêu trên đồng lúa.
Ôi, biết bao kỷ niệm ngày xưa lại lần lượt hiện về.
Chuyện kể như pháo ran…Mà sao mọi người đều vui tươi cả thế?
Vì sao? Vì kỷ niệm lúc nào cũng đẹp, cũng vui cả phải không? Nói chuyện ngày xưa hình như làm cho mình thấy trẻ lại. Quả thật là vui! Tôi chẳng nghe ai than thở điều gì. Hình như không có ai có điều gì buồn hôm nay. Có phải ở xứ nầy người ta không ai thiếu thốn gì cả? Cũng có thể ở những lứa tuổi nầy người ta không cần gì nữa cả? Giàu thì cũng đã giàu rồi, nghèo thì cũng đã nghèo rồi, ai cần để ý những chuyện đó nữa đâu!
Vậy thì tại sao hôm nay bà con vui thế? Bởi vì người ta đã có lại được một điều mà lâu nay người ta chưa có lại được. Đó là sống lại với những kỷ niệm êm đềm và tươi đẹp của ngày qua.
Gặp các bạn hôm nay tôi vui quá. Chuyện của bạn đang kể có tôi ở trong đó và chuyện tôi đang nói sao đúng câu chuyện lâu nay bạn vẫn thường lẫm nhẫm một mình.
Thời gian trôi đi thật nhanh, mới hai giờ trưa mà bây giờ đã gần tám giờ tối rồi! Tôi phải về và bạn cũng phải về, mà chuyện tôi với bạn hình như mới bắt đầu, chưa đủ thiếu gì cả! Thôi hẹn gặp, hẹn gặp lại lần tới, không nói năm sau; vì chữ năm nghe lâu quá.”
Thầy Thọ (đứng), Ng K Dõng, thầy Hùng (cà vạt), Lê Đ Phẩm, cô Mộng Hoàn (áo trắng), cô Diệu Lan (áo hồng), chị Thiệu (áo xanh), H M Ngọc (sau thầy Hùng)
Qua đầu tháng 4 năm 2010, một kết hợp tình cờ giữa ngày khánh thành Cao ốc Thanh Bình Xanh ở Mỹ Khê và ngày họp mặt truyền thống hàng năm của thầy, trò Kỹ Thuật Đà Nẵng tại Đà Nẵng, tôi lại có dịp gặp lại đông nhất, những đồng nghiệp cũ, những học trò năm xưa, ngay tại ngôi trường mà gần năm chục năm về trước tôi đã bắt đầu vào nghề dạy học.
Đi quanh một vòng chu vi vườn trường, dấu tích những ngày đầu đã thay đổi nhiều. Khuôn viên của trường nay không còn chuông vuông nữa với những ngôi nhà mọc thêm phía phải, có thêm dãy nhà lầu cư xá ba tầng phía sau sân bóng tròn, một nhà chơi đã được xây ví lại để làm thành một lớp học hay một phòng sinh hoạt gì đó…
Từ hành lang giữa sân tôi đứng lặng hồi lâu nhìn vào căn phòng nằm giữa phía cuối sân, nơi mà năm xưa tôi đã ở chung với thầy Đoàn Sùng và thầy Mai Văn Tánh. Rồi bỗng nhiên tôi lại nghĩ đến thầy Minh hiệu trưởng, chú Tuần cai trường, anh Út tài xế. Nhớ đến thầy Sáu khi ngước nhìn lên căn lầu phía trên văn phòng Hiệu Trưởng. Nhớ đến Cô Hoa thư ký mỗi tuần hay đem giấy lên tận lớp học ký mời họp…
Tiếng nhạc ré lên ở mấy cái loa phóng thanh vì lỗi kỹ thuật đã làm tôi trở về thực tại, cùng lúc đó có người đến gần nhắc: Mời thầy vào, sắp đến giờ khai mạc rồi!
Họp mặt truyền thống KTĐN
Buổi họp mặt hôm đó thật trọn vẹn. Không có không khí chính trị ở đây, chỉ có tình đồng nghiệp, tình thầy trò, tình bạn hữu. Mọi người đều như được trẻ lại với tuổi đời cách đây mấy mươi năm về trước, vui vẽ, hồn nhiên với những tràng cười không dứt…
Cũng trong lần họp mặt nầy, tôi đã phát hành được tờ giai phẩm “XANH hoài niệm”, kỷ niệm ngày ngôi trường thân yêu được 50 tuổi.
Về tờ giai phẩm nầy, sau khi kêu gọi anh em khắp nơi viết bài, chỉ trong thời gian một tháng, tôi đã trình bày và layout xong. Nếu in ở Mỹ thì mắc và cũng không thuận tiện để đem về VN với số lượng. Do đó tôi đã đem về in ở Sài Gòn. In được 150 số báo màu, phân phối cho Sài Gòn 50, Đà Nẵng 50 và Hải Ngoại 50.
Lúc đầu anh em cứ ngại, sợ bài viết liên hệ đến chính trị; nhưng sau khi số báo phát hành, mọi người đã có sự tin tưởng về chủ trương đúng đắn của tờ báo. Cũng nhờ vậy mà năm sau, một tập “XANH hoài niệm 2” với sự Chủ Biên của thầy Nguyễn Văn Sở, đã được phát hành. Lần nầy số ấn bản lên tới 500 tập, phân phối cho Gài Gòn 180, Đà Nẵng 200 và Hải Ngoại 120.
Vì các cựu học sinh chưa sẵn sàng và thuận tiện để nhận làm số báo tiếp theo nên số báo đặc biệt kỷ niệm 50 năm ngày khai giãng niên khóa đầu tiên của trường (1962-2012) các thầy lại phải đứng ra đảm trách thêm một lần nầy nữa. Mong rằng sau số báo này, các cựu học sinh KTĐN sẽ nhận trách nhiệm của Ban Biên Tập “XANH hoài niệm”.
Các Ban Liên Lạc KTĐN trong và ngoài nước bây giờ rất ổn định. Qua những sinh hoạt về giao lưu, tương trợ thời gian qua đã cho thấy tình nghĩa thầy trò, tình bằng hữu luôn luôn được quý trọng, đề cao. Được như vậy là nhờ ở trong tất cả chúng ta, mỗi người đều giữ được sự thân yêu, tương kính. Biết gác qua những khác biệt nhỏ không cần thiết để đến với nhau trong mối liên hệ tình cảm trong sáng và đẹp đẽ.
Với chiều hướng hiện nay, chúng ta có quyền lạc quan, “Tinh Thần Kỹ Thuật Đà Nẵng” sẽ mãi mãi bền vững.
Lê Đình Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét