-->

Trang Webblog của Skyskysky




Ngăn dòng
Thân mời quý bạn chọn các bản nhạc dưới để xem vv
Ngăn dòng
Phôi Pha_Khánh Ly Diễm xưa_Khánh Ly Tiếng hát Dạ Lan_Khánh Ly Về đây nghe em_KL_NNN Chiều Một Mình Qua Phố Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui_Khánh Ly Khanh Ly_Ru Ta Ngam Ngui Ca Dao Mẹ - Khánh Ly Một Cõi Đi Về - Khánh Ly Video: THẦY TRẦN PHÁT LẠC Thời trang và ẩm thực_TTC Ghé thăm thầy Trần Phát Lạc Thầy tôi và bạn bè Khóa 66 - 71 Phỏng vấn Thầy TRẦN PHÁT LẠC Skyskysky Mỹ Lệ_Phố biển tình anh
Ngăn dòng

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Dấu văn còn mãi: Bài 9 Nguyễn Mười – Phan Trí Thông – Bùi Tấn Hùng

Thưa quý bạn thân mến.

Trang sky… là nơi kết nối bạn bè một thuở áo xanh. Tôi viết loạt entry này để ghi nhớ lại hình ảnh thầy cô bạn bè. Với tôi, bạn bè cũng là những dấu văn còn mãi khắc sâu trong lòng mình. Những kỷ niệm đẹp, những tình tiết đặc biệt, những giai thoại vui vẻ.

Dẫu sao, để cho bài viết được lý thú, tôi có ngoa dụ, thổi phồng một số sự việc, hoặc dùng từ ngữ có khi suồng sã khi viết về các bạn. Nếu có gì không phải xin các bạn góp ý và lượng thứ. Coi như già đầu rồi mà còn nghịch ngợm như đám… học trò quỷ sứ ngày xưa. Muôn vàn đa tạ.PHD.



Dấu văn còn mãi: Bài 9
Nguyễn Mười – Phan Trí Thông – Bùi Tấn Hùng


Bạn bè và kỷ niệm còn nhiều lắm trong ký ức, nhưng viết dài quá, sức cũng mỏi nên tui sẽ điểm những nét chính của các bạn. Hai ba bạn chung một bài. Vui buồn, đẹp xấu, hay dở, đúng sai xin các bạn chấp nhận một lần cho nó hên và… dui.

1.
Nguyễn Mười, biệt danh hai-tờ-năm. Khi đi học nhà ở Thuận Phước. Mấy anh em thường men theo lối đường Thanh Hải Thanh Sơn, lúc thúc trong các xóm nhỏ ngày ấy còn chen chúc với mương rạch, xóm dừa, cầu ván gập ghềnh, nhà chồ, chợ cá…sang đó chơi. Mười ở với ông cậu, trạc tuổi. Cha mẹ hình như ở quê. Cả bọn tha hồ quậy, thỉnh thoảng mua bún về ăn với xì dầu nước mắm.

Bây giờ, khu đất đó đã ra mặt tiền đường ven biển Thanh Bình (Nguyễn Tất Thành), lão kịp xây một cái biệt thự bự làm quán càphê điểm tâm, có tên Đà Nẵng Phố (quảng cáo free à nghe).

Lên đại học, Mười và tui cùng lớp. Học được năm thứ nhất, lão đi bộ đội. Sau mấy năm mới về tiếp tục học lại. Khi lão ra trường, tui đã vô NT.

Mần nghề xây dựng, lão phất lên từ… thị trường quê Bác - Nghệ An. Có lưng vốn, lại quy cố hương ĐN, lập công ty riêng (sớm nhứt trong đám bạn bè), có cái tên khá tham vọng Kiến Tạo Miền Trung. Giờ là đại gia trong ngành xây dựng ĐN.

Khi xưa, mỗi lần về ĐN, người tui gọi nhờ vả đầu tiên là lão, cho tui mượn cái xe máy để có cái mà đi. Thời đó, đâu có ai dư xe ngoài lão. Rứa là lão giao cho tôi chiếc Giấc Mơ màu mận chín của lão. Óach lắm à nhe. Đi miết tới lúc về mới nhắn nhe trả. Có lúc lão bảo tui để xe luôn ở nhà tui, lúc nào rảnh lão tới lấy, khỏi chạy tới chạy lui.

Bây giờ, mỗi lần về ĐN, lại vẫn nhờ lão tiếp, nhưng không nhờ xe máy nữa, mà nhờ xe hơi. Lần nào cũng vậy, nhờ là có ngay, tài xế đánh xe tận nhà, hết lòng phục vụ. Tui có áy náy, tính tiền đổ xăng, hoặc “bo” bác tài, lần nào cũng bị lão từ chối, nạt nộ như con, còn đe dọa: “Mi mà rứa, lần sau về đừng gọi tau nữa!!!”. Bèn thôi, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị cấp trên.

Chuyện lão nhiệt tình với việc tập hợp anh em ngày xưa thì khỏi cần nói thêm. Hễ ở mô rục rịch hoạt động ruồi xanh thì có mặt lão đi đầu. Nhiệt tâm đó thiệt đáng quý. Nhờ đó mà anh em ta mới có nhiều cơ hội để gặp nhau.

2.

Phan Trí Thông, bạn từ Sáu 2 PCT qua KT. Lão ở cùng xóm với tui. Lão ở đầu ngõ, tui ở cuối ngõ. Người thấp nhỏ, đen đen, hiền hậu trong nụ cười sáng trưng. Thời tui gãy chân do đá banh, bó bột nằm nhà, lão là người mang bài vở về cho tui chép lại để học.

Nhóm bạn KT quanh xóm đó thành một băng: Bùi Tấn Hùng, Lê Văn Thắng, Hoàng Như Ngân, Phan Trí Thông, Phạm Hùng Dũng, í ới gọi nhau mỗi ngày, cùng đi học, cùng về nhà.

Bây giờ, về ĐN, lần nào cũng được nhậu với lão theo băng Sáu 2 PCT ngày xưa. Băng này giống nhóm ngũ bá SG, một ngày không gặp nhau là không chịu được.

Lão lập gia đình muộn, có con muộn. Mỗi lần đi nhậu ra trễ, bị chọc: “Mi mắc cho con bú phải không?” Lão cũng lém đài lắm: “Hihi, con bú thì mau, tau bú mới lâu ri đây!!!”. Tướng tá ngó bộ hiền lành, chân chất, tưởng nhậu nhẹt cũng thường thường bậc trung, ai dè là tay cao thủ võ lâm. Trong đám ngũ bá ĐN, lão là hàng thượng thừa số một. Lắm khi cả bọn té bò lăn bò càng lão vẫn tỉnh bơ: “Bọn mi uống như ri, tau về cho con tau bú, nó khóc, biểu ba ơi sữa bữa ni răng lạt dữ rứa ba!”.

Dóc thiệt là dóc!

Bao nhiêu năm PTT vẫn vậy, hiền hậu với nụ cười sáng trưng ngày nào. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, có chuyện gì bất bình cũng sẵn sàng bỏ qua, coi nhẹ như lông hồng, với câu nói cực kỳ độ lượng không thể nào quên: “Ố xì…, có cái chi mô nà!” 3.

Bùi Tấn Hùng, chết danh Bùi… Kiệm. Tướng mạo cao ráo trằng trẻo đẹp trai. Lão ở Tân An, tui ở Chính Trạch. Hàng ngày, lão lọ mọ qua kêu tui đi học, sau đó là Phan Trí Thông, Lê Văn Thắng, Hoàng Như Ngân…

Thời KT, nhân có văn nghệ cuối năm của trường, với sự xúi giục của cô PMH, lớp lập một nhóm vũ sĩ, ngày ngày lấy nhà cô làm đại bản doanh, kiên trì tập luyện dưới sự dìu dắt của chính cô. Tui với Hùng là hai nhơn vật trong nhóm vũ sĩ ngày ấy. Tiết mục đó thành công đến đâu, giờ này quên mất tiêu rồi. Nhưng nhớ lại một đám con trai tay chân lòng khòng ngọng nghịu, vung lên, vung xuống, ẻo lả như vũ nữ thứ thiệt thấy mắc cỡ làm sao!

Sau 75, BTH tham gia công tác phụ trách thiếu nhi ở phường. Tuy không cùng địa phương, tui cũng chạy qua với bạn, bày trò chơi, dạy múa hát, đám con nít thích mê. Có em rất nhiều năm sau vẫn còn nhớ đến anh Dũng. Một lần, khi ba tui mất, chạy tìm mua tấm bia đường Nguyễn Chí Thanh, sau lưng trường PCT, mua bán một đỗi mới nhận ra người quen, là một em gái thiếu nhi ngày ấy. Em tay bắt mặt mừng hỏi thăm tui ríu rít, rồi ra lệnh cho ông chồng, anh tính nửa giá cho anh Dũng thôi ! Thật cảm động.

Thời đó, lao động là vinh quang. Nhiều người bỏ học chuyển qua lao động chân tay.

(Kể chuyện ngoài lề một chút. Ông anh tui cũng tính đường đi kéo xe bò ở chợ Tam Giác, mẹ tui ra đó bán khoai. Mẹ gặp con, lưng tròng nước mắt. Làm sao mà không khóc được, khi thấy thằng con bạch diện thư sinh thành ông kéo xe bò lam lũ; còn ông con thấy bà mẹ quá nửa đời nội trợ trong nhà, giờ thành bà buôn gánh bán bưng còm cõi mấy củ khoai dưới vành nón tả tơi).

Giờ không nhớ nguyên cớ do đâu, hay do tinh thần giác ngộ quá cao trong chế độ mới, lão với tui bàn nhau một kế hoạch vĩ đại: hai thằng lên núi… đốn củi. Giờ thì nấu ga nấu điện, chớ hồi đó, củi cũng là nhu yếu phẩm số một đó nghe.

Hai ông con bí mật chuẩn bị nào quần áo, tăng lều, dây nhợ, dao rựa… Nhưng tới cái món thức ăn thì phải nói… láo cho mấy bà mẹ chuẩn bị lon gô mắm ruốc kho khô. Từ vụ này mà vỡ lỡ kế hoạch, bị cả nhà ách lại la cho một trận. Chứ không thì giờ này hai thằng có nghề phá sơn lâm rồi.

Thân thiết như vậy, nhưng rồi có lúc thương nhau lắm cắn nhau đau, trôi theo thời cuộc hai thằng xa bẵng đi mấy mươi năm rồi mới gặp lại nhau tại SG. Buổi trùng phùng đó thật đáng nhớ, gột bỏ bao nhiêu năm xa cách. Lần hồi gặp lại Nguyễn Tấn Nhân, Dương Đăng Cả, Võ Văn Lượm, Đỗ Xuân Thạnh…

Biết qua chuyện mấy anh em KT xuống tuốt Long An, triệu Nguyễn Tấn Nhân đang lúc cơ hàn về SG, tìm kiếm việc làm, giờ thành giáo sư đại học, gia đình phương trưởng, tất nhiên ngoài nỗ lực của NTN, công BTH (và mấy anh em nữa) chắc không phải nhỏ.

Biết đâu mừng đó. Vì thấy anh em KT sãn sàng giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn; vì thấy dân ruồi xanh bỏ đâu cũng sống được.

Lại đợi một chuyến tui vô SG, say túy lúy với bằng hữu một đêm.

Phạm Hùng Dũng
Nha Trang 12/7/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.........