Thưa quý bạn thân mến. Trang
sky… là nơi kết nối bạn bè một thuở áo xanh. Tôi viết loạt entry này để ghi nhớ
lại hình ảnh thầy cô bạn bè. Với tôi, bạn bè cũng là những dấu văn còn mãi khắc
sâu trong lòng mình. Những kỷ niệm đẹp, những tình tiết đặc biệt, những giai
thoại vui vẻ.
Dẫu sao, để cho bài viết được lý thú, tôi có
ngoa dụ, thổi phồng một số sự việc, hoặc dùng từ ngữ có khi suồng sã khi viết về
các bạn. Nếu có gì không phải xin các bạn góp ý và lượng thứ. Coi như già đầu rồi
mà còn nghịch ngợm như đám… học trò quỷ sứ ngày xưa. Muôn vàn đa tạ.PHD.
Dấu văn còn mãi
BÀI 8
Vũ Công Nam
Tui biết VCN sơ sơ từ hồi lớp Sáu 1 (tui là Sáu 2), trường PCT. Dân Pháp
văn cả mà. Loáng thoáng đi học thêm thầy Ngân. Lão cặp kè với Nguyễn
Thanh Công, từ hồi đó cho tới những năm KT sau này. Đến sau khi “dấu
binh lửa” chấm dứt năm 75, 76 cặp bài trùng này mới “chia lìa đôi lứa”.
Hiện nay, Nguyễn Thanh Công đang ở Nha Trang,
nhưng mần ăn chính là tại Buôn Mê Thuột. Mê mải suốt năm trên đó. Dạo
này lão phát hiện được Nguyễn Văn Cẩm ở trển, hai thằng bù khú nhậu
nhẹt, rồi hứng chí gọi điện cho tui. Hẹn hò gặp nhau ở NT, mãi chưa thấy bóng người. Y chang như ĐXT, THD, HNT… ngũ bá SG. Cũng thuộc hạng hứa… lèo.
Đá gà đá vịt qua NTC một chút. Hy vọng có bài riêng về lão. Vì nói tới VCN mà không nhắc đến NTC là tội lỗi vô cùng lớn lao.
Năm đầu KT (8T3), ba VCN mất. Cả lớp cùng chạy xuống nhà (đường Mạc Đỉnh
Chi), phụ giúp. Mới lớp Tám, cả bọn lau nhau, chắc không làm được gì
nhiều, nhưng thấm đẫm tình bạn.
Hình như duy nhất đó là đám tang phụ huynh trong thời đi học của tui.
Nam gốc Bắc. Nhà có vẻ nề nếp kiểu Bắc, tôn ti trật tự hơn người Nam.
Nhưng tiếng Bắc chỉ còn ở ba mẹ. Ba chị em: Hương, Vinh, Nam đều nói
tiếng Nam, Quảng chay. Đến giờ tui vẫn không biết được sau khi ba mất,
một tay mẹ Nam xoay sở nuôi ba đứa con ăn học làm sao, chứ gia cảnh vẫn
nề nếp như xưa.
Ba chị em đều thích văn nghệ. Đến nhà lúc nào cũng thấy cái không khí
văn chương thi ca âm nhạc. Tui gặp được các nhạc sĩ trẻ ĐN thường xuyên
lui tới nhà Nam, thân thiết như người nhà: Nguyễn Duy Khoái, Nguyễn Nam… và một số văn nghệ sĩ ở Huế nữa.
Thời đó văn nghệ của lớp người trẻ (học sinh, sinh viên) ít nhiều đều
đậm xu hướng chống chiến tranh, mong mỏi hòa bình, rồi ít nhiều đều ngả
sang… việt cộng. VCN cũng không ngoài xu thế đó.
Tướng tá dong dỏng với đôi mắt sâu tinh anh, chiếc mũi cao kiểu nhựt
bổn, đôi môi hơi bĩu một chút với những nếp nhăn sớm trên má, VCN ôm cây
đàn guitar, hát các bài nhạc hoặc ngâm những bài thơ phản chiến với
chất giọng cực kỳ… du ca, hình ảnh đó cuốn hút biết mấy. Mỗi khi nhớ lại
tui cứ mường tượng như thấy bóng dáng Phạm Duy thời kháng chiến với bộ
bà ba nâu, đôi dép cao su, chiếc đàn guitar rong ruổi trên khắp các nẻo
đường.
Với nỗi tò mò, háo hức của đám học sinh thời chiến về những người phía bên kia, chúng tôi kèo nài VCN cho nghe: Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa. Gửi người em gái trong ngọn gió đêm nay. Nghe tin em vào đại học… hoặc đọc dấm dúi những cuốn tạp chí Đối Diện bị nhà nước cấm phát hành…
VCN đúng là chàng du ca của lớp 8T3 ngày ấy. Và riêng với tui, mãi đến bây giờ.
Sau 75, như đám cá tát đìa, nước cứ cạn dần, đứa tuột đàng này, đứa xổng
đàng kia, rót lại còn một đám tí teo chơi với nhau: Lê Hữu Đốc, Dương
Đăng Cả, Nguyễn Tấn Nhân, Vũ Công Nam, Phạm Hùng Dũng. Rồi rót một lần
nữa, Cả, Nhân vô SG. Còn lại ba thằng.
Thời này khốn khó, không mần ăn gì được, ai cũng tối mày tối mặt. Ba tui
bị thương tật cái chân lọ mọ mở quán hớt tóc, kiếm kế sinh nhai nuôi cả
đàn con. Cả xã hội, đâu đâu cũng vậy. Nhà Nam làm bánh bột lọc (tai
vạc), hai chị Hương Vinh phụ trách “sản xuất”, mẹ Nam phụ trách “phát
hành”.
Mẹ Nam thương mấy thằng tui lắm. Lâu lâu DĐCả về, cùng tui tới Nam chơi,
ở lại đêm, ba ông thức suốt canh thâu, “tám” chuyện, đến nỗi mẹ Nam la
bắt phải đi ngủ. Rồi sáng mai, thế nào cũng dành cho ba ông dĩa bánh to
bự. Những cái bánh bột lọc xinh xinh như vành tai, trong suốt đỏ lựng
nhân tôm thịt, bóng mỡ, chấm vào chén nước mắm chua ngọt, ngon thấu trời
xanh. Thời đói rách, có cái ăn là “nhắm mắt” nhào dô, chứ có nghĩ ngợi
gì cao xa. Ba ông ăn bữa sáng free đó cũng làm thâm thủng ngân sách chớ.
Nhớ bà lắm. Nhớ cái dáng nhỏ nhắn gầy gầy đặc biệt của các bà mẹ người
Bắc. Nhớ chiếc khăn chít tròn quanh đầu. Nhớ cái áo len kiểu trấn thủ
ngày đông. Nhớ nụ cười đôn hậu tươi nét trầu đỏ thắm. Nhớ cái giọng Bắc
đã pha chút Quảng gọi bọn tui là bọn mi, chứ không phải chúng mày. Bây giờ, mỗi lần về ĐN, ghé Nam lên thắp nhang cho bà, nhìn tấm hình lại nhớ những kỷ niệm ấm lòng ấy biết bao!
Gốc Bắc, nên Nam có tính tự trọng rất cao. Chơi với ổng phải biết ý, đứng chọc cho ổng tự ái là… bị nghỉ chơi luôn.
Có lần ổng “phát lệnh” cho phép bà xã cùng ba cô con gái của ổng vô Nha Trang nghỉ hè với nhà tui. Hai nhà đều là bạn bè nhau cả, từ chồng tới vợ tới con. Tiếp được bạn ở
NT rất là mừng. Thôi thì đặc sản NT có gì mang ra mời hết. Nào tôm cua
cá ghẹ. Nào biển nào đảo nào tắm thác tắm bùn. Một ngày tiểu yến. Ba
ngày đại yến. Rần trời rần đất.
Tới hôm chia tay, bà xã ổng mới thỏ thẻ tâm sự: “Anh
VCN dặn vô đó chơi phải coi thử mặt PHD. Coi thử chả dui dẻ hay miễn
cưỡng, khó chịu. Nếu mà có biểu hiện “phản động” chi đó thì em phải ra
thuê khách sạn ở gấp, ẻ thèm ở nhà nó. Tự mình đi chơi, ẻ thèm nhờ nó”.
Trời đất quỉ thần ơi! Cái thằng kỹ tính đến rứa thì thôi!!!
Nhờ cái vụ tiếp đãi vợ con ổng cẩn thận, nên lần nào về ĐN cũng được gặp
ổng với đôi mắt sâu tinh anh, chiếc mũi cao kiểu nhựt bổn, đôi môi hơi
bĩu một chút (với những nếp nhăn giờ càng nhiều trên má) xòe nụ cười
tươi rói hài lòng. Nhậu dô đã đã một chút là cầm ngay cây guitar, hát
tặng tui bài Hạnh phúc màu xanh (tác phẩm nổi tiếng của tui thời đại học), với cái giọng du ca ngày nào. Đã đời. Hihi.
Thì biết làm sao, ổng đã từng có biệt danh: ông già đau khổ rồi mà! Hy vọng ổng không tự ái những chuyện tui kể ở đây, và đừng nghỉ chơi với tui. Tội nghiệp.
Cũng một phần từ cái tính tự trọng này, hình như có một thời khá dài ổng có vẻ buồn ơi là sầu vì chưa tốt
nghiệp ĐH cho bằng anh bằng em (Ý là bằng tui với Đốc đây. Hehe). Thành
ra ổng cố gắng phấn đấu, vừa học vừa làm, lấy bằng KS đàng hoàng, ngành
thiết kế đường sắt. Nghề nghiệp ngày càng thăng tiến, sự nghiệp ăn nhậu
ngày càng tăng cao, phong bao phong bì ngày càng tấp nập (VCN đừng lo,
cái vụ phong bì này giờ được nâng tầm văn hóa rồi).
Đầu năm cọp này, tui nhảy về ĐN dự buổi họp mặt kỹ thuật hàng năm, đủ cả
các T123. Anh em gặp nhau vui một bữa bên bờ biển Thanh Bình, thấy VCN
là một thành viên hoạt động tích cực, được anh em tín nhiệm. Phụ trách
phần tài chính, ổng góp phần không nhỏ trong việc kêu gọi, thu góp để
giúp đỡ những anh em cùng lớp cùng khóa lâm vào tình cảnh khó khăn. Thật
cảm động khi thấy ổng ôm Hoàng Thiếu Hoa, người anh em khó khăn ở ĐN,
với tình cảm chan hòa.
Cái nhiệt tâm của người thanh niên với quê hương đất nước ngày xưa giờ vẫn còn nguyên trong tình bạn bè chan chứa.
Và vẫn còn nguyên đó một Vũ Công Nam – chàng du ca của bạn bè.
Phạm Hùng Dũng
Nha Trang, 11/7/2010
Trang Webblog của Skyskysky
Thân mời quý bạn chọn các bản nhạc dưới để xem vv
Phôi Pha_Khánh Ly Diễm xưa_Khánh Ly Tiếng hát Dạ Lan_Khánh Ly Về đây nghe em_KL_NNN Chiều Một Mình Qua Phố Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui_Khánh Ly Khanh Ly_Ru Ta Ngam Ngui Ca Dao Mẹ - Khánh Ly Một Cõi Đi Về - Khánh Ly Video: THẦY TRẦN PHÁT LẠC Thời trang và ẩm thực_TTC Ghé thăm thầy Trần Phát Lạc Thầy tôi và bạn bè Khóa 66 - 71 Phỏng vấn Thầy TRẦN PHÁT LẠC Skyskysky Mỹ Lệ_Phố biển tình anh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét