Thưa quý bạn thân mến.
Trang sky… là nơi kết nối bạn bè một thuở áo xanh. Tôi viết loạt entry này để
ghi nhớ lại hình ảnh thầy cô bạn bè. Với tôi, bạn bè cũng là những dấu văn còn
mãi khắc sâu trong lòng mình. Những kỷ niệm đẹp, những tình tiết đặc biệt, những
giai thoại vui vẻ.
Dẫu sao, để cho bài viết được lý thú, tôi có
ngoa dụ, thổi phồng một số sự việc, hoặc dùng từ ngữ có khi suồng sã khi viết về
các bạn. Nếu có gì không phải xin các bạn góp ý và lượng thứ. Coi như già đầu rồi
mà còn nghịch ngợm như đám… học trò quỷ sứ ngày xưa. Muôn vàn đa tạ.PHD.
Dấu văn còn mãi
BÀI 6
Lê Hữu Đốc
Tui cứ phân vân mãi khi viết về lão bạn thân thiết
này. Bây giờ lão có chức bự ở ĐN, mình viết lớ quớ phạm thượng thì ăn
đòn ngay. Đòn đầu tiên là về ĐN lão không thèm tiếp, không thèm gặp thì
gay go. Lấy ai mà chiêu đãi mình hoành tráng, lấy ai mà đưa mình đi đến
chơi những chỗ VIP…
Có bạn mần lớn sướng lắm chớ.
Thời Furama resort mới mở, đại gia ĐN còn đứng xa xa mà ngó, tui đã được
LHĐ đánh xe con chở qua đó chơi, ông phó tổng người Việt ra nghênh đón,
dẫn đi tham quan cùng khắp, chiêu đãi tận tình, y như tiếp thượng
khách. Đã đời!
Sơn Trà chuyển mình thành khu du lịch, đích thân LHĐ
làm tài xế Honda civic chở ông VIP là tui đi thị sát quanh bán đảo, rồi
lòng vòng quanh co chạy tuốt lên đỉnh, vô trạm truyền hình (chỗ có hai
quả cầu to tướng của Mỹ ngày xưa đó). Lính tráng trên đó thấy LHĐ, chạy
ra mừng rỡ, một điều xếp, hai điều anh Ba, vừa thân tình
vừa kính trọng. Thấy cũng… được, một xếp chan hòa với quần chúng lao
động nhân dân, đúng đường lối cán bộ của Đảng ta. Hihi.
Bữa đó, lần đầu trong đời tui mới đứng được mạn bắc Sơn Trà, nhìn ra đèo
Hải Vân, nơi vịnh Thanh Bình giáp biển Đông. Trời nước mênh mông, núi
đèo chập chùng. Góc nhìn lạ lẫm, dù mình ở ĐN mấy chục năm nay. Chắc
chắn nhiều người ĐN chưa đặt chân đến chốn này.
Rồi qua mạn Nam, thành phố nằm gọn dưới mắt mình theo tầm chim bay. Phố
xá trải dài, Hàn giang uốn lượn, những cây cầu qua sông, bờ Mỹ Khê sóng
trắng hòa xanh. Toàn cảnh tuyệt vời.
Bạn thấy sướng như rứa, viết cũng phải dòm trước dòm sau, đi đúng lề phải chớ biết mần răng bây chừ!!!
Nhưng sự thật thì mình cứ viết thật mà thôi. Nhớ Lời mẹ dặn của Phùng Quán: “Dẫu ai ngon ngọt nuông chiều. Cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết. Cũng không nói ghét thành yêu.”
Thời ruồi xanh, LHĐ không có gì nổi bật ngoài cái vụ dậy thì
hơi bị sớm. Người ta vừa học vừa hành, lão vừa học vừa đi ngắm… bướm.
Bướm ở đây là các áo trắng tóc dài nhà ta, mỗi khi tan trường tung bay
các tà áo diễm kiều như đàn bướm trắng. Thiện tai. Thiện tai. Đừng nghĩ
xiên xẹo nghe các bạn.
Không có bà chị nào thoát khỏi đôi mắt săn mồi của lão: chị Nhi (Nguyễn
Thanh Công), chị Vinh (Vũ Công Nam), chị Quỳnh (Huỳnh Viết Thanh)… Vụ
này tui có viết trong bài về Thanh-hoa-lá-cành rồi. Xin miễn kể thêm.
Mần thơ viết văn lão ký bút hiệu: Lam Đề. Mới nghe tưởng lão xuất thân dân
trường Bồ Đề, nhà Phật, ai dè lão lấy họ lão Lê và họ người lão yêu
(chứ không có yêu lão đâu à nghe) Đàm Thị Như Quỳnh. Lê Đàm – Lam Đề.
Nickname lão hồi đó là xì ke. Người tầm tầm thước (hai chữ tầm
à nghen), ốm tong, nhứt là đôi chân, y như hai cái ống điếu. Nổi tiếng
tới mức, HV Thanh lâu lâu chạy tới, kéo hai ống quần của lão lên, trình
bày cho bàn dân thiên hạ thấy đôi ống quyển cò vạc danh bất hư truyền.
Vậy mà vào trận đá banh, đôi chân cà tong đó cũng lừa qua lừa lại trái
bóng tuyệt hảo như danh thủ Braxin.
(Bây giờ thì lão ú ù u rồi. Bề ngang đang phấn đấu cho bằng chiều cao).
Tình bạn giữa tui và lão lần hồi thân thiết
nhau. Tựa như mấy ông bà ngày xưa bị cưới gả ngang xương dù không
thương yêu gì ráo trọi, nhưng ở với nhau miết, có con có cái, tình nghĩa
ngày càng sâu nặng bền chặt hơn cả tình yêu ban đầu.
Nhớ thời ôn thi đại học, mấy thằng hay tụ với nhau: tui, Cả, Đốc, Nam,
Nhân… LHĐ hay cù tui tới học chung tại nhà lão sát rạt đường xe lửa chỗ
Chợ Cồn sau lưng Sân vận động Chi Lăng. Đó là cái xóm nhà lá, nhà tôn,
nhà ván, tạm bợ chen chúc nhau thời chiến tranh. Đốc ở đó với bà ngoại,
cậu Hùng, anh Giám một vài người cháu nữa. Đúng kiểu dân nghèo thành
thị.
Nhà không có WorldCup.
Cần thì ra khu công cộng của chợ. Cái thằng tui quen thói cứ sáng sớm
dậy là phải giải quyết cái sự buồn nên muôn vàn khốn khổ, mỗi lần đến
học qua đêm với lão. Ở trên gác, cửa nhà dưới thì khóa, gọi thì sợ phiền
người nhà, tui phải leo qua lan can, đu tòn teng xuống đất, ba chân bốn
cẳng chạy ra khu công cộng. Có bữa chạy không kịp phải chui đại vào một
xó sạp hàng. Chó trong xóm chợ sủa rân trời. Ngồi thu lu mà cứ sợ người
ta nghĩ mình là thằng ăn trộm, xách gậy phang cho một cú thì chết đời
trai. Huhu.
Vậy mà mến bạn, hôm sau lại mò tới. Vở bi hài kịch ban mai này cứ diễn tới diễn lui suốt cả mùa hè ôn thi đó.
Hồi đó, ăn chưa no lo chưa tới, tui không nghĩ ngợi nhiều tới gia cảnh nhà bạn,
vì nhà mình cũng nghèo như vậy. Cho nên, không thắc mắc ba má Đốc ở
đâu. Giờ nhớ lại vẫn thấy mình cực kỳ… kỳ cục. Sau này mới biết ba má
Đốc là người đàng miềng, ba tập kết, má tù Côn đảo.
Hèn chi, LHĐ cũng kín đáo trong sinh hoạt hàng ngày, cố tình khoác trên
mình cái vỏ tay chơi nổ trời ông địa che mắt thiên hạ cho các việc ngầm
của mình chăng?
Ở trên nói lão cù tui tới cùng ôn thi vì hồi đó tui học… giỏi hơn lão.
Nhưng giỏi giang là chuyện dài lâu, tui càng học càng ngu, không hiểu
được chuyện thương trường của HVT đã đành, lại còn ngày càng dốt trên
con đường học thuật. Trong khi tui lẹt đẹt cái bằng sư kỹ suốt hơn hai mươi năm nay, thì LHĐ đã đùng một cái nhét túi cái tiến sĩ như trở bàn tay.
Hồi đó, sau 75, vào đại học là chuyện khó. Khó không phải học giỏi dốt
gì, khó là vì cái chủ nghĩa lý lịch trầm kha. Hễ có bố mẹ, chú cô, dì
dượng, ông bà nội ngoại mà dính vô CQ cũ thì a lê xúp… còn lâu mới đặt
chân tới mép cổng trường đại học.
Tui điền vô cái đơn dự thi mà phát ngán khi thấy thành phần dân nghèo thành thị của gia đình mình nằm tuốt luốt gần áp chót. Trời đất ơi, đánh võ gì đây với hơn ba bốn chục thành phần cấp côi trên mình để thắng lợi trong cuộc đấu tranh vào cửa trường đại học này.
Thành thử, không có gì ngạc nhiên khi LHĐ nhận được giấy báo trúng tuyển
còn tui vẫn biệt vô âm tín. Thấy thằng con dấu yêu, học giỏi có nghề từ
nhỏ, vậy mà thi đại học có vẻ đậu cành mềm rồi, mẹ tôi an ủi: Học rứa mà không đậu thì thôi. Có chi mô mà buồn con. Giờ nhớ câu này, lòng tui cảm phục mẹ tui quá đỗi. Bà muốn con mình đúng là nó, chứ không muốn con theo mong ước của mình.
Nhưng buồn chớ. Tự nhiên cánh cửa học hành đóng sập trước mũi mình.
LHĐ chạy tới nhà tôi: tau có giấy báo rồi răng mi chưa có? Tau có thì mi dư sức có chớ. Đi, đi với tau. Đi mô? Lên trường hỏi thử ra răng!
Cái thằng thiệt là gan. Thế là lão mượn cái xe đạp chở tui tuốt lên Hòa
Khánh, nơi trường Bách Khoa đóng đô (nguyên là Tiểu chủng viện đang xây
cất dở dang thì GP). Hai ông con lò dò vô tận phòng giáo vụ, hỏi cô Bông
trưởng phòng đang ngồi tại đó. Thưa cô, còn đợt giấy báo mô nữa không? Còn, đang để trên bàn kia kìa.
Trời đất quỷ thần ông bà cha mẹ ơi! Nhìn qua chồng bì thơ thấy ngay cái
phong bì của mình, tên mình (phong bì này do thí sinh ghi tên, địa chỉ
và dán sẵn tem để trường gởi giấy báo) đang nằm trên cùng.
Cô ơi, cái ni của em nì cô. Cô cho em cầm về luôn khỏi gởi nghe cô!
Nhét cái giấy báo vô túi. Tôi bảo Đốc: Mi để tau chở! Lão
có ốm ốm chớ cũng nặng vài chục ký mà sao tui đạp băng băng như chở một
túi bông gòn, lòng phơi phới như bay trên chín từng mây. Về đến nhà,
tui chạy vô kêu lên: Mẹ ơi mẹ. Con đậu rồi! Mắt tôi ướt mà mắt mẹ cũng ướt.
Cùng vào ĐH, nhưng khác khoa, tui xây dựng, lão kinh tế. Bạn bè lưu lạc hết. Chỉ còn hai thằng thân thân là
tui với Đốc trên Bách Khoa. Nguyễn Mười hai-tờ-năm, học cùng lớp năm
thứ nhất, rồi đi bộ đội. Cuối tuần về ĐN thỉnh thoảng có Vũ Công Nam, và
mấy thằng bạn không ruồi xanh: Quang, Ngọc, Sơn…
Ra trường trước, vì kinh tế học 4 năm, xây dựng 5 năm, Đốc vào Thăng
Bình, ở Hà Lam. Tui vô đó chơi, ngủ lại với lão một đêm, ăn cơm tập thể,
ở nhà tập thể, sáng đi uống đậu nành ngay tại lò nấu. Ly sữa đậu nành
có màu hơi nâu nâu (hay có pha chút bột gạo lức) nóng ấm. Thị trấn Hà
Lam thời đó liêu xiêu, hiu hắt, đậm cái buồn của phố lẻ nhà quê.
Cứ vậy, chơi với nhau miết. Vụt cái đã mấy mươi năm. Rồi vợ thân theo kiểu vợ, con thân theo kiểu con. Hai bên càng lúc thêm thân thiết.
Với má LHĐ, tui cũng thưa bằng
má. Bà cũng thương tui như mẹ tui thương LHĐ vậy. Mỗi lần gặp là được
hỏi thăm cặn kẽ chuyện nhà chuyện cửa chuyện vợ chuyện con. Chèo kéo bắt
ở lại ăn cơm, coi như con cái trong nhà.
Hay lắm nghe, lão có ông anh tên Giám. Hai anh em là Giám Đốc. Bà má
cách mạng mà tiên tri ghê gớm, biết trước sau gì rồi CM cũng phải mở cửa
kinh tế thị trường, cho phát triển doanh nghiệp nên sinh sẵn hai ông
con Giám Đốc chờ ngày thăng quan mở chức. Hihi.
Và quả đúng như vậy!
Đó là vài nét chân dung LHĐ, bạn thân thiết
tới giờ này của tui. Nếu lão đọc những dòng này mà không phật ý, tui sẽ
kể chuyện về lão thời đất nước đổi mới cho bà con thưởng lãm.
Mong lắm thay!
Phạm Hùng Dũng
Nha Trang, 03/7/2010
Trang Webblog của Skyskysky
Thân mời quý bạn chọn các bản nhạc dưới để xem vv
Phôi Pha_Khánh Ly Diễm xưa_Khánh Ly Tiếng hát Dạ Lan_Khánh Ly Về đây nghe em_KL_NNN Chiều Một Mình Qua Phố Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui_Khánh Ly Khanh Ly_Ru Ta Ngam Ngui Ca Dao Mẹ - Khánh Ly Một Cõi Đi Về - Khánh Ly Video: THẦY TRẦN PHÁT LẠC Thời trang và ẩm thực_TTC Ghé thăm thầy Trần Phát Lạc Thầy tôi và bạn bè Khóa 66 - 71 Phỏng vấn Thầy TRẦN PHÁT LẠC Skyskysky Mỹ Lệ_Phố biển tình anh
Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét