-->

Trang Webblog của Skyskysky




Ngăn dòng
Thân mời quý bạn chọn các bản nhạc dưới để xem vv
Ngăn dòng
Phôi Pha_Khánh Ly Diễm xưa_Khánh Ly Tiếng hát Dạ Lan_Khánh Ly Về đây nghe em_KL_NNN Chiều Một Mình Qua Phố Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui_Khánh Ly Khanh Ly_Ru Ta Ngam Ngui Ca Dao Mẹ - Khánh Ly Một Cõi Đi Về - Khánh Ly Video: THẦY TRẦN PHÁT LẠC Thời trang và ẩm thực_TTC Ghé thăm thầy Trần Phát Lạc Thầy tôi và bạn bè Khóa 66 - 71 Phỏng vấn Thầy TRẦN PHÁT LẠC Skyskysky Mỹ Lệ_Phố biển tình anh
Ngăn dòng

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Bài văn thơ ấu - Phạm Hùng Dũng

Bài văn thơ ấu

Tôi mới vừa được Hạ Ngọc Linh (anh em chú bác với Hạ Ngọc Tể), gởi tặng cuốn Luận Tuyển ngày xưa, với lời đề tặng “trên xa mức tình cảm”:



“Thân tặng Dũng, người học trò xuất sắc toàn diện và đa tài mà ba mình thường nhắc đến với lòng yêu mến. 9/2010. HNL”




Phổng mũi quá trời!

Cuốn này do thầy Hạ Ngọc Lăng (ba của HN Linh), tập hợp những bài văn của các học trò lớp 4, 5 tiểu học. Trong đó, có bài của Đỗ Xuân Thạnh và tôi. Thật là cảm động khi đọc lại những dòng văn ngày thơ bé của mình.

Đúng là một báu vật, với tôi.

Xin gửi đến quý bạn bài văn ngày ấy của Đỗ Xuân Thạnh:

Đề: Bình giải câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”

Bài làm:

Những khi khuyên bảo con em nên nhớ ơn kẻ giúp đỡ mình, ta thường nghe các bậc phụ huynh nhắc đến câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Ta thử phân tích ý nghĩa, tìm xem câu này ngụ ý sâu xa như thế nào để rút một bài học áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Nói đến nguồn, ai cũng biết đó là nơi phát sinh ra dòng nước. Nước từ nguồn lần theo khe suối chảy đến ao, hồ, sông, biển. Những khi lỡ đường, miệng khô cổ khát, ta mới thấy nước là quí và nghĩ ngay đến sự quan hệ của nguồn.

Suy rộng ra, nước chỉ những kết quả mà ta được hưởng, còn nguồn là nguồn gốc, là nguyên nhân đã giúp ta được sự hưởng thụ đó. Con người hơn loài vật là nhờ ở bộ óc, ở trí nhớ. Vì thế ta không thể nào quên ơn kẻ đã giúp đỡ mình được.

Thật vậy, từ khi sinh ra đến khi khôn lớn, ta đã chịu biết bao nhiêu công ơn của cha mẹ và của biết bao nhiêu người. Ta làm sao quên được công lao như trời bể của cha mẹ, ông bà. Đến trường học, ta hiểu được điều hay,lẽ phải, mở mang trí tuệ là nhờ ai? Ra ngoài xã hội, được no ấm, sống trong yên ổn, ta làm sao quên được những người làm ruộng đã dầm mưa, dãi nắng trên cánh đồng, những công nhân suốt ngày cặm cụi trong xưởng thợ, những chiến sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ đất nước…

Nói đến lòng biết ơn, ai cũng nhớ đến một câu chuyện còn ghi trong sử Việt. Để nhớ ơn Lê Lai đã liều chết cứu mình, vua Lê Thái Tổ đã dặn con cháu giỗ Lê Lai trước ngày giỗ mình, vì thế nên có câu: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi.

Qua những ví dụ trên, ta nhận thấy con người đã sinh ra ở trên đời đã chịu biết bao nhiêu công ơn của kẻ khác. Ngay cả bậc vua chúa như ông Lê Lợi cũng không thể quên ơn người đã giúp mình.

Hiểu như vậy, chúng ta luôn luôn nhớ ơn tiền nhân, những người đã dựng ra cơ nghiệp nhà mình và cố gắng học hành, cố gắng làm việc để khỏi phụ công ơn của những bậc anh hùng lịch sử.

Đỗ Xuân Thạnh

Các bạn xem, mới lớp 5 mà Ba Thạnh đã “hùng hồn” như thế đó.



Phạm Hùng Dũng
Nha Trang 9/9/2010

Đăng bài của PHD theo yêu cầu của các bạn

Bài văn thơ ấu (1)

Bài này trích trong Luận tuyển, tôi viết cách đây 40 năm, lúc học lớp 5 - trường tiểu học Thạc Gián Đà Nẵng.

Đề:Hãy tả quang cảnh trường thi, trước giờ thi vào lớp sáu và nói cảm nghĩ của em.

Bài làm:

Hôm nay là ngày thi vào lớp sáu. Tôi rảo bước đến trường thi, mang theo nỗi bồn chồn, lo lắng.



Trên con đường đến trường Phan Chu Trinh, học sinh lũ lượt kéo nhau đi, xe cộ chạy như mắc cửi. Tiếng còi xe làm vang động cả bầu không khí buổi sáng.

Chẳng mấy chốc, cổng trường đã hiện ra trước mắt tôi. Hai bên đường, xe gắn máy, xe đạp đậu nhan nhản. Phần đông thí sinh cùng lứa tuổi với tôi, người nào cũng lăm lăm giấy bút trong tay. Có cậu lại rụt rè bám sát bên phụ huynh. Mấy quán giải khát đông nghẹt khách hàng, ồn ào tiếng cười nói. Có lẽ họ uống để đỡ sốt ruột chứ không phải vì khát. Nhất nhất, mọi câu chuyện đều hướng về việc thi cử. Mấy bác cảnh sát đeo lè kè khẩu súng sáu bên hông, chạy đi chạy lại dàn xếp trật tư. Quang cảnh tuy náo nhiệt nhưng có vẻ nghiêm trang vô cùng.






Tôi vịn song sắt, đứng nhìn vào phía trong cổng trường. Bên kỳ đài, bức tượng nhà cách mạng Phan Chu Trinh chạm trổ mỹ thuật như đang trầm ngâm nhìn xuống đám thí sinh. Mấy cây bàng, cây phượng đứng im lìm như đang lo lắng hộ chúng tôi. Trên hành lang mấy dãy lầu cao nghệu thoáng bóng vài vị giám thị khiến lòng tôi thêm hồi hộp.

Tám giờ đúng, cổng trường bỗng xịch mở. Thí sinh chen nhau vào sân trường. Tôi vừa đi về phía phòng thi của mình vừa đảo mắt nhìn cảnh vật. Đây là dãy nhà để xe, kia là nhà chơi… Tôi mà được vào học trường này thì “lối”(1) quá.

Đang vẩn vơ suy nghĩ, bỗng một hồi chuông reo vang, kéo tôi trở lại với sự thực. Giờ thi sắp đến rồi. Tôi thận trọng đặt chân lên các bực thang lầu như người lính lần đầu tiên ra trận.

Trong giây lát nữa, trí óc tôi sẽ phải thử thách với các đề thi mới mẻ. Tôi thầm nguyện sẽ cố gắng sao cho thi đỗ để đền đáp công ơn cha mẹ và công dạy dỗ của thầy giáo.

(1970)

Hình Trường Phan Chu Trinh từ internet.

(1)"lối": lấy làm hãnh diện lắm



Bài văn thơ ấu (2)

Đưa tiếp bài văn 2 trên Luận Tuyển (viết cách đây 40 năm, lúc đang học lớp 5, tiểu học). Bài này có mùi... kinh dị.

Đề: Có lần trời tối mà em phải đi một mình trên quãng đường vắng. Hãy thuật lại những sự việc xảy ra và diễn tả nỗi lo sợ cùa em trong trường hợp này.

Bài làm:

Chiều nay, ra khỏi cổng trường thì trời đã hoàng hôn, tôi vội vã đạp xe về nhà.

Chiếc xe đang chồm lên các mô đất gồ ghề, bỗng một tiếng nổ vang lên. Mất hết cả bình tĩnh, tôi loạng choạng ngã xuống mặt đường. Chiếc xe đè lên mình tôi. Khi dựng xe lên thì tôi thấy bánh sau đã bẹp dí. Nhìn quanh, không thấy một tiệm sửa xe đạp nào, tôi thất vọng thầm nghĩ: “Thôi đành dắt bộ về nhà vậy”.

Bây giờ, mặt trời đã khuất sau rặng núi phía xa. Màn đêm xuống dần. Cảnh vật xung quanh mập mờ ẩn hiện. Đống rác lù lù bên đường xông lên mùi tanh hôi nồng nặc khiến tôi thấy lợm giọng. Cây thông đen thẫm cành lá vươn ra như những bàn tay ma quái. Một túp lều xiêu đổ, tôi lại liên tưởng đến nơi trú ẩn của các mụ phù thủy. Tiếng gió thổi qua rặng tre, vài con chim ăn đêm về buông tiếng kêu rời rạc khiến tôi rợn tóc gáy. Những chuyện hoang đường, những hình ảnh ma quái lần lượt diễn ra trong tâm trí tôi. Bên tai tôi ngờ ngợ như có tiếng nói thầm, như có kẻ bước sau lưng. Trời tối bao nhiêu tôi càng lo sợ bấy nhiêu. Mắt tôi cay cay, mồ hôi ra ướt đẫm cả áo. Tôi nhìn các ánh sao như nhìn mắt đám âm binh dữ tợn. Băng qua bãi tha ma là tới cổng làng. Trong nghĩa địa, những ngôi mộ mập mờ, những ánh lân tinh lơ lửng trong màn đêm dày đặc khiến tôi chết điếng cả người. Lấy hết sức, tôi dắt xe chạy thật nhanh về phía cổng làng. Tiếng người nói trong xóm vọng lại cho biết tôi đã trở về gần với sự sống của loài người. Lòng tôi nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi lãnh vực ma quái.

Đến trước cổng nhà, tôi thấy bóng mẹ tôi đứng chờ trước cửa. Tôi bỗng thấy thương mẹ hơn bao giờ hết.

(1970)
Phạm Hùng Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.........