-->

Trang Webblog của Skyskysky




Ngăn dòng
Thân mời quý bạn chọn các bản nhạc dưới để xem vv
Ngăn dòng
Phôi Pha_Khánh Ly Diễm xưa_Khánh Ly Tiếng hát Dạ Lan_Khánh Ly Về đây nghe em_KL_NNN Chiều Một Mình Qua Phố Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui_Khánh Ly Khanh Ly_Ru Ta Ngam Ngui Ca Dao Mẹ - Khánh Ly Một Cõi Đi Về - Khánh Ly Video: THẦY TRẦN PHÁT LẠC Thời trang và ẩm thực_TTC Ghé thăm thầy Trần Phát Lạc Thầy tôi và bạn bè Khóa 66 - 71 Phỏng vấn Thầy TRẦN PHÁT LẠC Skyskysky Mỹ Lệ_Phố biển tình anh
Ngăn dòng

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Nguyễn Khương - Ngày trở về


KN-01
Đầu tháng ba năm 2010, chúng tôi đã thực hiện một chuyến trở về thăm quê hương, sau hơn ba mươi năm xa cách. Trước ngày lên đường, đêm nào tôi cũng thao thức, trăn trở,
nghĩ ngợi miên man, không biết giờ này Đà Nẵng ra sao? Tên những con đường quen thuộc ngày xưa vẫn còn hay đã thay đổi? Phố xá bây giờ ra sao? Không biết khi về mình còn nhận ra lối xưa, đường cũ của năm nào? Thầy Cô, bạn bè cùng trường, cùng lớp còn có thể gặp lại những ai? Cứ suy nghĩ như thế làm tôi đi vào giấc ngủ khi nào không hay. Những ngày chờ đợi qua mau, nhưng tôi vẫn trông chóng đến ngày trở về thăm quê hương thân yêu, về thăm ngôi trường cũ, Trường Trung Học Kỹ Thuật, tại thành phố Đà Nẵng, mà suốt thời niên thiếu tôi đã được học cùng chúng bạn cho đến tuổi trưởng thành.



Rồi cũng đến ngày bước lên phi cơ tại phi trường Los Angeles (LAX), Hoa Kỳ. Trong chuyến đi này, ngoài vợ chồng chúng tôi, còn có vợ chồng Tô Tiếng, vợ chồng Lê Văn Sâm thân hữu, AT Tôn Nữ Thu Hương, nên rất vui vì có người thân cùng trò chuyện trên chuyến bay về. Khi máy bay đến Đài Loan, chúng tôi có một thời gian dài nghỉ ngơi, mua sắm, trước khi vào không phận Việt Nam.
Lòng hồi hộp và sung sướng khi nghe báo tin chỉ còn nửa tiếng nữa là đến hải phận Việt Nam. Nhìn qua khung cửa kính đã bắt đầu thấy bờ cỏi đất nước thân yêu hiện dần ra dưới mấy tầng mây trắng mõng, lòng tôi chợt thấy hồi hộp, nao nao. Đất nước của tôi đây, hình cong chử S hiện ra trong mắt tôi, từng vị trí của giải đất gấm vóc Việt Nam. Khi vào đến Sài Gòn, máy bay từ từ quay vòng bán cung nhắm hướng để đáp xuống phi đạo.Sau khi qua mọi thủ tục, vừa bước ra khỏi tòa nhà chính, chúng tôi được sự đón tiếp nồng hậu của Thầy Liệu và anh Võ Kim làm cho nhóm chúng tôi rất cảm động với sự biểu hiện của tình nghĩa thầy trò, bằng hữu, nhờ vậy mới có được cuộc gặp gỡ đầm ấm tại nơi đây. Thời gian ở lại Sài Gòn chỉ có vài ba hôm, mỗi người mỗi ngã, sau đó chúng tôi lại lên máy bay ra Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng là một khung trời đầy nhớ nhung ghi dấu nhiều kỷ niệm của tuổi thơ, để rồi từ đó lớn lên và trưởng thành. Như bản nhạc “Đà Nẵng một thời dấu yêu” của Nhạc Sĩ Nhật Ngân đã sống và dạy nhạc tại thành phố này. Lời nhạc nhắc nhở chúng tôi rất nhiều những kỷ niệm thân thương và tên từng địa danh quen thuộc như Tam Tòa, Thanh Bồ, Sơn Trà, An Hải, Xuân Hòa, Phước Ninh, Thạc Gián.

KN-01
Chợ Cồn ngày trước


Video: Đà Nẵng một thời dấu yêu



Năm 1963, tôi được vào học trường Kỹ Thuật. Tôi còn nhớ những con đường hằng ngày tôi đã đi qua suốt thời gian bảy năm. Từ đường Hoàng Hoa Thám, Thống Nhất, đến Ông Ích Khiêm, qua đường Đống Đa, đến Cao Thắng là đến trường Kỹ Thuật nằm phía tay phải. Có những lúc tôi phải đi bộ, khi đi ngang đường Ông Ích Khiêm thì có thêm Trần Văn Thuận cùng đi vì nhà Thuận ở đây. Và cũng chính vì vậy, chúng tôi trở thành bạn, vừa đi vừa nói chuyện, trao đổi tin tức, hay cùng nhau ôn bài vở. Thời gian cứ như thế qua đi, trải dài theo từng năm tháng tuổi thiếu niên. Những lúc vui vui, chúng tôi kể cho nhau nghe những mẫu chuyện về các Cô áo trắng cùng trường. Có lẽ đã bắt đầu vào tuổi biết chớm yêu!

Tới đây, tôi nhớ lại mấy câu thơ của Xuân Diệu “Yêu là yêu, là nhạc lòng lên điệu. Là tâm hồn ghi khắc bóng hình ai. Là nhớ nhung mơ mộng suốt đêm dài…” Nhớ lại thời gian ấy, để thả hồn theo ngày tháng cũ, tìm kiếm người ấy giờ nơi đâu? Biết có còn dịp gặp lại nhau, kể lại cho nhau nghe kỷ niệm một thời yêu đương trong sáng ở lớp tuổi học trò còn ngây ngô, vụng dại. “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”! Thời gian ấy, chúng tôi có vài lần đi ăn chè, ăn bánh bèo gần trường Nam tiểu học. Nay chỉ còn là kỷ niệm.

KN-01
Góc sân trường Kỹ Thuật năm xưa

Thành phồ Đà Nẵng đã đổi thay rất nhiều. Có những con đường như Hoàng Hoa Thám, Đống Đa, Quang Trung, Thống Nhất, ngang Trường Nữ Trung Học, với những hàng cây kiền kiền che rợp mát lối đi, để tránh nắng vào những buổi trưa hè oi ả, nay đã không còn. Con đường Thống Nhất có cầu vồng, sát bên phải là sân vận động, ngày xưa rán đạp xe đạp lên dốc, đạt được cũng là một điều thích thú, nay cũng không còn thấy nữa. Thay vào đó, con đường Thống Nhất cũ ngày nay có được thêm cầu quay bắc ngang sông Bạch Đằng đến bờ An Hải. Ở gần Trẹm, ngay trạm Hải Quan, nay có thêm cầu bắc qua bán đảo Sơn Trà. Xa xa về hướng cầu Đa Lát, song song với cây cầu cũ, chúng tôi thấy có thêm cây cầu mới hoàn thành. Nói chung, vấn đề lưu thông rất thuận tiện cho người dân sinh sống tại Đà Nẵng. Chúng tôi cũng được biết thêm là Trường Sao Mai, Trường Phan Chu Trinh đã bị phá sập để xây dựng những dịch vụ công ích khác cho thành phố. Thực sự mà nói, sau bao năm xa cách, tôi thấy Đà Nẵng thay đổi có vẻ đẹp hơn, với những con đường lớn trong thành phố có thêm lối đi cho người đi bộ, những tòa nhà chọc trời tân kỳ, không thua gì ở các nước phương Tây. Nhiều con đường đã thay tên nên tôi không còn nhận ra nữa. May có người quen hướng dẫn, giải thích, tôi mới nhớ lại đôi phần.

Một ngày đầu tháng 4 năm 2010, tôi được tham dự ngày Đại Hội hằng năm tại trường Kỹ Thuật lần đầu tiên. Thầy Cô, Ái Hữu khắp mọi miền quê hương quy tụ về thật là đông, sau khi nghe đài phát thanh hoặc báo chí địa phương loan tin, năm nay còn có thêm anh em từ hải ngoại về. Khi vào đến cổng trường, thấy Ban Liên Lạc tổ chức, phối hợp chặt chẻ phần nhân sự để lo cho ngày đại hội, lòng tôi cảm thấy bồi hồi, xúc động nhiều. Bụi trúc ngày nào vẫn còn đó. Tôi gặp lại anh Đoàn Văn Phô, Thầy Nguyễn Miễn, Thầy Phạm Văn Thạch, AT Võ Thị Bạch Liên, Lê Thị Hồ, Nguyễn Thị Trân Cầm, Võ Thị Huế, trong ban tổ chức làm việc nhịp nhàng. Chúng tôi đến bàn ghi tên tham dự cho biết nhân số.

Đi tản bộ một vài nơi, tôi ghi nhận trường cũ cũng có phần thay đổi. Sân đá banh nay không còn nữa. Nhớ vào thời huy hoàng, đội banh trường Kỹ Thuật đã từng giao đấu với các trường bạn như Phan Chu Trinh, Sao Mai, Phan Thanh Giản, Pascal, Nguyễn Công Trứ. Cuối cùng trường ta đã hạ đội banh của Phan Chu Trinh khi vào chung kết với tỷ số
3/2, chiếm cúp vô địch liên trường. Thật là một niềm hãnh diện chung cho tập thể học sinh Kỹ Thuật!

Trong đội đá banh của trường hồi đó tôi còn nhớ có Anh Lê Tất Chánh thủ quân, Trần Ngộ thủ môn, Nguyễn Trương Khôi, Huỳnh Văn Phương, Đỗ Tiến Như, Nguyễn Văn Hảo, Trần Văn Xuân, Bùi Tấn Hạnh, Hồ Viết Kỷ, Khanh... Sân đá banh nay đã được xây cư xá cho học sinh lưu trú. Khoảng sân giữa lầu ba và lầu hai, trước là sân bóng rỗ, nay được làm hòn non bộ.

Tôi còn nhớ kỷ niệm đội bóng rỗ của trường thời ấy, khi giao đấu với đội bóng của Trường Pascal, đội ta đã dẫn trước rất xa, những 30/15, nhưng bổng nhiên có một nhóm học sinh nữ trường Pascal, khoảng 10 cô, mặc váy đầm trắng, cô nào cô nấy rất xinh xắn, đã nhảy ra vổ tay ủng hộ đội Pascal rất nhiệt tình, rất vui nhộn. Tự nhiên, chỉ sau đó một thời gian không lâu, đã mau chóng san bằng tỷ số, tuy cuối cùng đội ta vẫn thắng, nhưng điểm rất khít khao. Thật hú tim, xém thua ngược! Do đó suy ra, vấn đề ủng hộ gà nhà rất cần thiết để nâng tinh thần lúc tranh tài. Nhóm chơi bóng rỗ cho trường ngày ấy gồm có các bạn Trần Văn Thuận, Lý Lương , Lý Minh, Nguyễn Văn Minh Phụng, Trần Công Minh, Châu Minh Lập, Phạm Văn Thìn, Nguyễn Đăng Quỳnh, Nguyễn Kim Dõng, Trang Thế Hùng, Lê Tất Chánh. Chơi Vũ cầu, Nam có các bạn Đinh Hồng Sơn, Lâm Thành Tuấn, Nguyễn Trương Khôi. Áo trắng có Tôn Nữ Phượng Cát, Đinh Thị Hảo, Phan Thị Lựu, Nguyễn Thị Trân Cầm. Đặc biệt về thi đấu vũ cầu liên trường, Phượng Cát đoạt cúp vô địch 4 năm liên tiếp. Đánh đôi cặp: Cát - Hảo, Cát - Lựu, Cát - Cầm đã đoạt chức vô địch liên trường ba năm liên tiếp. Văn nghệ có anh Trưởng ban Trần Đình Tài, Phó ban Phượng Cát, các anh Lê Đức Phẩm, Lê Văn Thanh (Tự Trần Văn Xoài), Trịnh Kỳ, Đỗ Tiến Như, nữ có Lê Thị Lệ Dung, Phượng Cát, Nguyễn Thị Lánh, Nguyễn Thị Hồng Lan, Võ Thị Bạch Liên, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Lý, Đinh Thị Hảo.

Nhớ lại thời ấy, tôi rất tự hào với những thành tích thể thao, văn nghệ mà trường ta đạt được, mặc dầu trường mới được thành lập. Phải chăng trường ta là trường công, phải thi vào, nên nhân tài về trí, về lực cũng qui tụ về cho trường.

KN-01
Một hình ảnh ngày họp mặt 4-4-2010

Trong ngày Đại Hội tôi đã gặp lại nhiều bạn cùng chung lớp với tôi từ đệ thất như Nguyễn Đăng Quỳnh, Huỳnh Văn Quí, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Tăng Tri, Trang Thế Hùng, Nguyễn Văn Xuân, Huỳnh Trọng Từ, Trần Hửu Trung, Nguyễn Đăng Chính, Nguyễn Văn Hẻo, Huỳnh Phi Long, hoặc từ các lớp khác như Đặng Phước Lân, Nguyễn Minh, Nguyễn Văn Dũng, Đoàn Văn Phô, Đinh Văn Tư, Mai Rạng, Thái Mỹ Liên, Nguyễn Mười, Võ Kim, Hà Giang, Đỗ Duy Ngọc, Nguyễn Văn Đào, Ngô Văn Xuân, và nhiều nhiều nữa, tôi không nhớ tên hết vì quá đông, chỉ biết tay bắt, mặt mừng. Có anh Hoàng Đình Thọ quê Đại Lộc, gặp lại tôi ôm nhau ứa nước mắt, mừng mừng tủi tủi. Thọ cùng tôi có thời gian học chung vào mùa thi cử tại nhà người anh trên đường Hoàng Diệu, nên có rất nhiều kỷ niệm.
Loay hoay chụp hình, tôi chợt thấy bạn Đỗ Duy Ngọc mang máy chụp hình rất điệu nghệ. Đỗ Duy Ngọc từng có dịp qua Mỹ nên chúng tôi đã gặp nhau, nay gặp lại càng đông vui hơn. Sau đó chúng tôi với vợ chồng bạn Tô Tiếng đi thăm gia đình AH Nguyễn Văn Lưu, AH Tô Ngọc Hồng, nhà ở trên đường Trần Cao Vân nối dài. Rồi chúng tôi ghé thăm gia đình anh chị Đoàn Văn Phô, gia đình anh chị Đặng Phước Lân - Huệ Tâm, đã cùng sinh hoạt chung trên diễn đàn. Tôi có những niềm cảm mến rất đặc biệt với anh chị. Chân thành cảm ơn anh chị đã có những bài thơ viết tặng làm Khương nhớ mãi lòng ưu ái của anh chị dành cho vợ chồng Khương Thái. Anh Ngô Văn Xuân thì thường hay nói chuyện với Thầy Lê Đình Thọ. Thầy thân mật gọi anh là nhà thơ Kỹ Thuật. Thật sự anh làm thơ hay, nhẹ nhàng, có pha lẫn chử nghĩa nghiêng về thiền. Cũng cám ơn anh, thỉnh thoảng vẫn làm thơ tặng Khương, người bạn quen biết ở phương xa, khi có đề tài, hình ãnh gây ngẫu hứng cho anh làm thơ gởi bạn bè.

KN-01
Thảo, Xuân, Thức và Khương-Thái

Sau 40 năm xa mái trường thân yêu, ngày trở về thăm lại ngôi trường cũ, hình ảnh một thời đã qua lại dồn dập trở về! Nhất là khi đi quanh những ngõ ngách trong trường, nơi đâu cũng gợi lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm. Từ phòng học, văn phòng, sân chơi, cột cờ, bụi tre, mấy hàng dương liễu… chỗ nào cũng làm cho tôi nhớ lại thời gian vui sống, học hành, vui đùa cùng chúng bạn. Ngày trở về lần này đã cho tôi gặp lại Thầy, Cô, bạn bè cũ thân thương mà chắc chắn tôi sẽ còn nhớ mãi, không bao giờ quên!
Xin quí Thầy Cô nhận nơi đây lòng tri ân chân thành của chúng em cũng như của tất cả các Ái Hữu khác đã xuất thân từ mái trường Kỹ Thuật ngày xưa ấy. Làm sao quên được quý Thầy, Cô đã tận tâm dạy dỗ, đào tạo chúng em nên người!
Nguyễn Khương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.........