-->

Trang Webblog của Skyskysky




Ngăn dòng
Thân mời quý bạn chọn các bản nhạc dưới để xem vv
Ngăn dòng
Phôi Pha_Khánh Ly Diễm xưa_Khánh Ly Tiếng hát Dạ Lan_Khánh Ly Về đây nghe em_KL_NNN Chiều Một Mình Qua Phố Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui_Khánh Ly Khanh Ly_Ru Ta Ngam Ngui Ca Dao Mẹ - Khánh Ly Một Cõi Đi Về - Khánh Ly Video: THẦY TRẦN PHÁT LẠC Thời trang và ẩm thực_TTC Ghé thăm thầy Trần Phát Lạc Thầy tôi và bạn bè Khóa 66 - 71 Phỏng vấn Thầy TRẦN PHÁT LẠC Skyskysky Mỹ Lệ_Phố biển tình anh
Ngăn dòng

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

GS Huỳnh Phương: Những ngày lắp đặt máy móc...

Huỳnh Phương

Lời giới thiệu:
Trước khi trường Kỹ Thuật Đà Nẵng bắt đầu khai giảng niên khóa đầu tiên vào đầu tháng 9 năm 1962, ít ai biết được trong suốt ba tháng trước đó, thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Minh và một số Giáo Sư Chuyên Nghiệp cùng với một chuyên viên cố vấn Hoa Kỳ đã tận tụy làm việc ngày 8 tiếng, tuần 6 ngày, trong nhiệm vụ vừa chuyên viên vừa lao động chân tay để set-up cho xong những phân xưởng trước khi trường khai giảng. Câu chuyện mà thầy Huỳnh Phương (Tổng Giám Xưởng trường KTĐN 1971-1975) kể lại dưới đây sẽ giúp cho chúng ta hình dung lại được cảnh tất bật của các Thầy ở trường KTĐN vào mùa hè năm đó như thế nào. Cũng giống như khi chúng ta đi xem một buổi trình diễn hay ở sân khấu, mấy ai biết được sự khổ luyện của những nghệ sĩ, diễn viên và sự làm việc tận tụy của những chuyên viên dàn dựng ở hậu trường ra sao.
(Ban Biên Tập)

 Huỳnh Phương
GS Huỳnh Phương

Đầu mùa hè năm 1962, Nha Kỹ Thuật Học Vụ điều động một số Giáo sư Chuyên Nghiệp vừa mới du học ở Hoa Kỳ về, ra Đà Nẵng để cùng chuyên viên cơ quan Usaid của Hoa Kỳ, set-up những phân xưởng cho trường Kỹ Thuật Đà Nẵng vừa mới được xây dựng xong.
Đây là một chương trình viện trợ của Hoa Kỳ mà cơ quan Usaid đứng ra đảm trách, xây dựng trường ốc (không phải chỉ riêng ở Đà Nẵng, mà cả ở Quy Nhơn và Vĩnh Long đều được khởi công xây dựng cùng một lúc).
Usaid cũng viện trợ đào tạo người, những Giáo Sư chuyên nghiệp được đi du học 3 năm ở Mỹ cũng nằm trong chương trình nầy.
Ngay đến những máy móc dùng để trang bị cho những phân xưởng của các trường Kỹ Thuật đang được xây dựng ở 3 nơi (Đà Nẵng, Quy Nhơn và Vĩnh Long), người Mỹ họ cũng đã chở về VN cho Nha Kỹ Thuật Học Vụ từ những năm 1958. 1959 và để ở nhà kho của Nha Kỹ Thuật Học Vụ, số 4 Phan Kế Bính, Sài Gòn.
Số Giáo Sư chuyên nghiệp được Nha KT Học Vụ phái ra Đà Nẵng năm đó gồm có các Gs Trần Phong Cảnh, Hồ Đình Biên, Trần Văn Ấu, Nguyễn Văn Giỏi, Mai Văn Tánh và tôi (Huỳnh Phương).
Lúc chúng tôi mới ra, các phòng học ở những tầng lầu đều đã có đầy đủ bàn ghế nhưng ở các phân xưởng của trường thì chỉ là những mặt nền xi măng trống trơn mà thôi.
 Huỳnh Phương

Những ngày sau đó, hàng ngày chúng tôi làm việc với một chuyên viên cố vấn Hoa Kỳ từ cơ quan Viên Trợ Mỹ Usaid phái qua là ông Robert Johnson, một người Mỹ hết sức năng nỗ, tận tình và vui vẻ.
Mỗi buổi sáng, anh Út tài xế lái chiếc xe Jeep Wylly chở ông ta xuống bến tàu. Ông cởi trần lái xe Forklift (xe xúc), xúc máy móc bỏ lên xe GMC chở về trường. Về tới trường ông ta lại lái xe xúc, xúc những cổ máy vào xưởng. Ở ngoài mỗi palette máy đều có packing-list nên máy nào được đem đến đúng xưởng đó. (Có 6 xưởng tất cả: Điện, Máy dụng cụ 1, Máy dụng cụ 2, Kỹ nghệ sắt, Kỹ nghệ gỗ và Cơ khí Ô tô).
Một mình ông Robert Johnson lái xe, không kể giờ giấc, vì trong số anh em chúng tôi, kể cả anh tài xế Út, hồi đó không có ai biết xử dụng xe xúc cả.
 Huỳnh Phương


Sau khi đưa máy vào các phân xưởng xong, tất cả những thùng đồ nghề đều được tập trung đưa vào xưởng điện, từ đây phận loại và phân phối lại đồ nghề thích hợp cho các phân xưởng. Ông Johnson làm việc rất khoa học, trong thời gian làm việc bên ông, chúng tôi cũng học hỏi thêm được ở ông.
Vất vả nhất là đối với xưởng Máy Dụng Cụ. Những máy Tiện, máy Phay rất nặng nề. Trước tiên là vẽ sơ đồ máy sẽ đặt ở đâu rồi dùng những ống lăn, lăn máy vào thử, đo đạc, đánh dấu, xong đẩy máy ra lại để khoan nền, khoan xong đẩy máy vào lại, bắt bù lon…
Trường Kỹ Thuật Đà Nẵng đã được cung cấp những đồ nghề của những hãng làm tool danh tiếng của Mỹ hồi đó như hãng Snap-On (dụng cụ mua rồi trả lại hoặc đổi lại lúc nào cũng được, lifetime warranty như hãng CraftMan bây giờ vậy). Những dụng cụ thử nghiệm cũng được trang bị tốt như các trườnghọc ở Mỹ. Máy móc cũng là loại tốt nhất, như Máy Tiện hiệu SouthBend (tiểu bang Indiana). Ngay đến các loại giấy màu vàng để lau tay hay lau máy cũng thuộc loại tốt, dùng đến mấy năm sau vẫn chưa hết.
Những dụng cụ trang bị cho các phòng thí nghiệm ở lầu 2 cũng rất đầy đủ. Vì năm đầu sẽ chưa dùng đến bao nhiêu nên để bảo quản, một số dụng cụ và máy móc vẫn còn để nguyên trong thùng, chỉ bày biện ra một ít mà thôi. Sau nầy tùy theo nhu cầu thí nghiệm về Vật Lý hay Hóa Học, các giáo sư sẽ dần dần đem ra xử dụng.
Từ sau năm 1966, khi những đơn vị quân đội Hoa Kỳ đã có mặt ở Đà Nẵng, trường Kỹ Thuật Đà Nẵng thỉnh thoảng được họ cho nhữngmáy móc cũ để học sinh có thêm phương tiện thực tập. Người Mỹ cũng cho trường Kỹ Thuật một số xe hơi cũ, xưởng Cơ Khí Ô Tô sửa chữa lại thật tốt, như chiếc xe Datsun mà thầy Hùng Hiệu trưởng xử dụng, cũng như một vài chiếc Ford Scout, hay GMC khác nữa …
Trường KTĐN được xây dựng với kinh phí 32 triệu 500 ngàn tiền VN vào thời bấy giờ. Trang bị bàn, ghế, tủ cho tất cả các phòng học và các văn phòng thêm 5 triệu nữa, tổng kinh phí lên tới 37 triệu rưởi.
Nhà thầu làm việc trực tiếp với Nha Kỹ Thuật Học Vụ, nhưng sau khi xây dựng rồi, trường KTĐN nghiệm thu xong thì nha Kỹ Thuật Học Vụ mới thanh toán hoàn tất hợp đồng cho nhà thầu.
Việc nghiệm thu có phần chậm trễ là vì vấn đề thiết kế hệ thống giây điện, có những chỗ kết nối không đúng kỹ thuật an toàn, nên sau đó nhà thầu phải hoàn chỉnh lại.
 Huỳnh Phương


Nói chung thì việc thầu xây cất hồi đó các nhà thầu làm việc tương đối kỷ lưỡng và có lương tâm. Bằng chứng như trường KTĐN đến nay đã 50 năm vẫn chưa có vấn đề gì nghiêm trọng. Trong lúc một số công trình sau nầy, chỉ một hai năm sau đã có việc phải chống thấm, chưa kể đến một số khiếm khuyết quan trọng khác nữa.
 Huỳnh Phương



Mặc dầu làm việc tích cực và tất bật, chúng tôi chỉ hoàn tất xong việc thiết trí máy móc cho các phân xưởng của trường trước ngày khai giảng có hai tuần lễ mà thôi.
Làm việc suốt tuần vất vả nên Chủ Nhật nào thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Minh cũng mời anh em chúng tôi và ông Robert cố vấn Mỹ qua Tiên Sa ăn tôm hùm. Bên nầy hồi đó có một nhà hàng với những món ăn biển rất tươi. Tôm hùm được nhốt trong những giỏ thả xuống nước biển, khi có khách đặt hàng thì chủ quán mới vớt lên. Lần đầu Thầy Minh gọi cho mỗi người một con, ai cũng nghĩ bụng: một con thì làm sao đủ, nhưng khi tôm làm xong, chủ quán đưa lên, mỗi con tôm được xẻ làm đôi, mỗi người chỉ ăn nổi một nửa con mà thôi! Có ai ngờ những con tôm hùm ở đây lớn đến như thế nầy! Đặc biệt, ông Johnson rất thích món tôm hùm Đà Nẵng.
Trường KTĐN trong thời gian đó cũng có thêm một người Mỹ thứ hai nữa là ông Charles Steven. Ông nầy ở Peace Corps (thuộc Chương Trình Thanh Niên Thiện Nguyện Phụng Sự Hòa Bình) cử đến và làm Giáo sư Anh Ngữ cho trường. Tuy không dạy nhiều giờ nhưng hàng ngày ông ta đều có mặt thường xuyên ở trường; và những lúc không có giờ dạy thì ông thường ngồi ở phòng thư viện. Ông Steven là một thanh niên vui tính, đẹp trai. Tôi vẫn nhớ mỗi ngày ông đến trường bằng chiếc xe đạp Demi Course màu nâu.
Thầy Minh hiệu trưởng hồi đó cũng muốn nói chuyện nhiều với mấy người Mỹ đang giúp cho trường như ông Robert hay ông Steven. Thầy luôn bám sát mấy ông, nhưng Thầy cố gắng mấy thì phát âm của thầy vẫn là phát âm theo giọng Pháp, nghĩa là đều đều, không có dấu nhấn, nên các ông Mỹ chỉ thường đoán chừng mà cười vui thôi. Và nếu từ xa ai nhìn tới thì sẽ thấy Thầy khoa hai tay nhiều hơn là nói! Thầy Minh tính tình hiền hòa nhưng mỗi khi thầy giận thì Thầy thường hay nói cà lăm!
Qua bao nhiêu năm tháng với trường Kỹ Thuật Đà Nẵng, mỗi lần có dịp về lại trường, nhìn xuống dãy xưởng, lòng tôi tràn ngập vô số kỷ niệm. Sáu Phân xưởng là biểu tượng cho trường KTĐN. Nếu một ngày nào đó đến trường mà không còn nhìn thấy dãy xưởng nữa, thì cũng xem như không nhìn thấy trường! Vậy mà vừa rồi có nghe phong phanh đâu người ta nói, sắp tới đây trường Cao Đẵng Công Nghệ, trong một dự án xây dựng cải đổi, sẽ đập đi dãy xưởng nầy! Nghe sao xót xa quá! Mong rằng đó chỉ là tin đồn mà thôi, không phải là tin xác thực. Nhưng khi nhìn thấy một nhà chơi trước đây nay đã được xây ví lại thành phòng học thì nỗi lo ngại lại tăng lên. Biết đâu người ta cũng rồi sẽ đập mất dãy xưởng!

 Huỳnh Phương


Cali những ngày cuối năm 2011
Huỳnh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.........