-->

Trang Webblog của Skyskysky




Ngăn dòng
Thân mời quý bạn chọn các bản nhạc dưới để xem vv
Ngăn dòng
Phôi Pha_Khánh Ly Diễm xưa_Khánh Ly Tiếng hát Dạ Lan_Khánh Ly Về đây nghe em_KL_NNN Chiều Một Mình Qua Phố Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui_Khánh Ly Khanh Ly_Ru Ta Ngam Ngui Ca Dao Mẹ - Khánh Ly Một Cõi Đi Về - Khánh Ly Video: THẦY TRẦN PHÁT LẠC Thời trang và ẩm thực_TTC Ghé thăm thầy Trần Phát Lạc Thầy tôi và bạn bè Khóa 66 - 71 Phỏng vấn Thầy TRẦN PHÁT LẠC Skyskysky Mỹ Lệ_Phố biển tình anh
Ngăn dòng

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Rác Mỹ - Phạm Hùng Dũng


Tự nhiên nhớ mấy chuyện thời con nít.

1.

Đà Nẵng bây giờ, ngang qua công viên 29/3 xanh um cây lá, bát ngát hồ nước, chắc nhiều người, nhứt là lớp trẻ sau này, quên hoặc không biết hồi xưa vùng này là cái gì.

Nhà tôi ở Chính Trạch, đường Thống Nhứt (giờ là Lê Duẩn), cách chỗ này không xa. Khu này có tên Hầm Bứa, thời chiến tranh là bãi rác Mỹ.

hi Mỹ vào VN, đầu tiên đóng quân ở Đà Nẵng. Đám GI này đi đến đâu là khuấy động cả địa phương rầm rầm chạy theo phục vụ những nhu cầu khổng lồ của đội quân viễn chinh xài sang như… đế quốc.


Lập tức sinh ra các nhà thầu cho quân đội Mỹ. Thầu giặt ủi, thầu hớt tóc, thầu đổ rác… rất đặc biệt.

Đổ rác cũng phải đấu thầu. Vì đây hổng phải là rác Việt nhà ta, tận cùng bằng số, không còn gì để xài tiếp nữa, họa may là mần phân bón. Rác Mỹ sang như… Mỹ. Hay phần ba rác là còn xài được, xài tốt. Quần áo, đồ dùng, chăn đệm, thực phẩm, thuốc men… đều được các nhà thầu rác sàng lọc, nhặt nhạnh và gom lại. Nguồn tiêu thụ là chợ trời.

Còn lại đổ ra Hầm Bứa. Đến lúc này qui trình sàng lọc lại tiếp tục bởi đám dân nghèo, lũ con nít lau nhau – trong đó có cả thằng tui.

Không có cảm giác hôi thối trên bãi rác lắm. Nồng mùi sắt gỉ, mùi khói từ các đống cháy dở. Lang thang trên đó, lũ trẻ con chúng tôi nhặt nhạnh đủ trăm thứ bà rằn. Cái bi đông méo mó, cái xanhtuyarông lính to bản, cái mở hộp, con dao canip cả chục lưỡi khác nhau… Sau lễ lạc, nhứt là mùa Noel, tha hồ những thứ trang trí xanh đỏ tím vàng, dẫu có sứt sẹo tả tơi, cũng là thiên đàng đồ chơi, một cái toys shop khổng lồ cho lũ trẻ nghèo thành thị.

Và đồ hộp Mỹ, cái đệ nhất khoái của đám trẻ con. Những hộp bánh B1, B2, những hộp mứt nho mứt cam, và dở nhứt, hộp đậu phụng xay. Quá đát với Mỹ thôi, với ta các thứ đó còn tươi ngon chán.

Thỉnh thoảng, bất ngờ lại có mấy viên đạn đồng sáng loáng, chẳng hiểu vì sao lại lọt ra chốn này.

2.

Ngoài cái chốn rác trần tục trên, thằng tôi còn một cái thú lục rác Mỹ khác nữa. Vụ án này chỉ đi có một mình, kiên quyết không rủ bất kỳ thằng bạn nào đi theo.

Rác này văn hóa lắm!

Cạnh bờ sông Bạch Đằng, chếch về hướng đường Đống Đa, có một khu nhà biệt thự cho người Mỹ ở. Bây giờ khu nhà đó vẫn còn. Đám Mỹ này có vẻ cao cấp, vì được ở riêng. Nhà đẹp, có vườn tược, rào dậu cẩn thận, thỉnh thoảng có MP đứng gác trước cổng.

Từ nhà tôi đi lôcachân xuống đó xa lắm, nhưng mê mải thì vẫn tiến quân trên đường dài thôi. Nói vậy chớ thời học trò, chỉ có hai cái cẳng thôi, chứ xe cộ gì đâu. Từ nhà xuống trường Phan Chu Trình, lê lết qua Hội Việt Mỹ, Hội Việt Pháp, thơ thẩn bờ sông hóng gió, cũng đi bộ mà đi học trường Kỹ Thuật ôm cái bảng vẽ to tướng, lang thang tắm biển Thanh Bình thì cũng bộ mà đi.

Trở lại vụ lục rác văn hóa, xuống khu này là canh me mấy cái thùng rác, lượm các bì thơ. Lúc nào cũng có một mớ, thì từ Mỹ qua đây cũng phải thư từ bà con cô bác gửi đi gửi lại thăm hỏi nhau chớ.

Cái quí giá trên các bì thơ đó có hình thù nho nhỏ, nằm nép ở góc trên bên phải. Những con tem Mỹ.

Phải những con tem từ nước Mỹ xa xôi. Khi thì tòa nhà quốc hội, lúc lại White House, lúc ông Lincoln mặt mày ốm nhom mà râu tóc bù xù.

Làm chi với những con tem Mỹ? Khổ thân, đó là lúc hứng chí theo thú sưu tầm tem. Hì hà hì hục tối ngày với mấy cái anbum, cái nhíp, có được con tem quí thì y như đêm đó trằn trằn trọc trọc.

Mà quí gì cho cam. Khi lớn lên mới thấy bộ sưu tập tem của mình là đồ bỏ. Chẳng đáng sá gì. Thôi cũng an ủi, mình cũng từng có cái sở thích đầy văn hóa, còn hơn tụ tập xì ke ma túy, đánh lộn đánh lạo.

Thời đó, thú này có cái tên hay hay: sưu tập bưu hoa.


Phạm Hùng Dũng
Nha Trang 10/6/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.........