Randy và hành trình tìm mẹ
00:58 10 thg 9 2012Lời bình 1Nguồn trích 0712 Lượt xem
Xúc động bài hát "Mẹ" của chàng ca sĩ lai Mỹ đi tìm mẹ
Randy là một chàng trai người Mỹ có mẹ là người gốc Việt. Khi sinh được 7 ngày tuổi, mẹ anh vì khó khăn đã đem gửi ở cô nhi viện. Sau bao biến cố, anh qua Mỹ định cự và thành danh trong con đường ca hát. Người ta biết tới anh nhiều nhất qua ca khúc "Nó" với những lời mở đầu rất da diết "thằng bé âm thầm đi vào xóm nhỏ...". Với lòng không nguôi nhớ về người mẹ ruột của mình, anh đã trở về Việt Nam và bắt đầu những hành trình đi tìm mẹ. Và cũng với niềm thương nhớ, khao khát tình mẫu tử ấy, anh đã viết lên ca khúc "Mẹ" rất xúc động.
Mời các bạn xem video các bài hát
Sau cuộc chiến
Mẹ
Nó
Ca sĩ Randy trải lòng về những người mẹ
Biết anh về Việt Nam tìm mẹ, nhiều người cảnh báo anh có thể gặp phải tình huống ngoài mong đợi. Nhưng Randy - chàng ca sĩ "con lai" - sẵn sàng đón nhận trường hợp xấu nhất để nuôi hy vọng một ngày có thể cất lên tiếng gọi “Mẹ”.
Tất cả những ai biết đến hoàn cảnh và hành trình tìm mẹ của ca sĩ Randy - giọng ca nổi tiếng với ca khúc “Nó” - đều khó kìm xúc động. Nhưng ít ai biết để đi đến quyết định quay lại đối diện với nơi mà trong ký ức từng là nỗi ám ảnh, Randy đã trải qua nhiều thay đổi trong cảm nhận, suy nghĩ về một người. Người đó anh không hề biết mặt nhưng lại mang đến nhiều cảm xúc đớn đau và khát khao nhất. Đó là mẹ.
“Tại sao mẹ sinh tôi ra?”
Từ nhỏ sống ở cô nhi viện, đến 5 tuổi cậu bé Trần Quốc Tuấn, tên trong giấy tờ của ca sĩ Randy, được một gia đình ở Hội An (Quảng Nam) nhận làm con nuôi cho đến năm 1990, lúc 19 tuổi, anh theo một gia đình người Hoa đến Mỹ. Đó là quãng thời gian “đứa con lai” sống trong sự kỳ thị, phân biệt của những người nhận anh làm con, những người hàng xóm và… chính anh cũng kỳ thị bản thân khi nhìn rõ sự khác biệt trên cơ thể mình: làn da đem nhẻm, tóc xoăn. Những tên gọi “thằng con lai”, “con hoang” “đồ Mỹ đen”… theo anh từ thuở nhỏ càng đẩy Randy tách biệt với thế giới xung quanh.
Khi đó, anh luôn tự hỏi: “Tại sao mẹ sinh tôi ra? Tại sao lại vứt bỏ tôi? Tại sao bà sinh tôi lại khác với mọi người thế này?”. Từ nỗi đau của bản thân, cảm nhận về người đã sinh ra mình với Randy lúc ấu thơ chỉ là sự hờn giận lẫn oán trách.
Qua tuổi 40, Randy vẫn mong ước được gọi một tiếng "Mẹ" thiêng liêng.
Randy nhớ lại, những lúc đi chăn bò, anh thường nhìn xuống hố nước ở ngoài đồng và nghĩ dưới chiếc hố kia là bùn, là rác hay là phân, bẩn cỡ nào anh cũng sẽ nhảy xuống nếu nó có phép màu giúp da không còn đen, tóc không còn xoăn để được sống, được yêu thương, quan tâm như bao người. Khát khao đó anh chỉ giữ cho riêng mình, không có lấy một người để chia sẻ và anh lại trút tâm tư bằng cách… oán trách người đã sinh ra mình.
Việc quay lại tìm mẹ ngày hôm nay của Randy là điều mà trước đây anh chưa từng nghĩ tới!
Sang Mỹ, bước chân vào nghề hát, có điều kiện để học hành cũng là lúc cái nhìn về cuộc sống, con người của anh thay đổi. Anh bắt đầu mày mò, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Anh hiểu rằng mình sinh ra ở thời chiến khốc liệt, lại là đứa con của hai người giữa hai chiến tuyến, quan niệm của người Việt lại rất khắt khe thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Trước đây anh nghĩ mình bị mẹ bỏ rơi, bị hắt hủi thì giờ anh đặt ra nhiều tình huống. Sinh con vào thời chiến, biết đâu vì cuộc sống quá bần cùng, không đủ sức che chở cho con nên mẹ phải gửi anh vào cô nhi viện như là một sự sắp đặt, tính toán để con được sống, được một chỗ nương tự? Hành động đó chắc gì đã là sự bỏ rơi mà biết đâu lại là sự hy sinh của mẹ? Biết đâu mẹ cũng đang đau khổ muốn biết đứa con mình đứt ruột sinh ra bây giờ thế nào?... Rồi khi Randy có gia đình, có con, anh càng thêm khát khao muốn được sống với cảm giác về “tình mẹ” dù chỉ một giây.
Điều này đã thôi thúc anh quay lại nơi từng là nỗi “ám ảnh cuộc đời” để tìm mẹ. Hành trình này bắt đầu từ năm 2007 và kéo dài cho đến hôm nay. Người đàn ông đã qua tuổi tứ tuần thường hình dung: “Nếu gặp mẹ tôi sẽ sà vào lòng bà. Được bà hôn lên tóc, vuốt má thì cho dù mình có hơn 40, 50 hay 60 tuổi đi nữa vẫn như một đứa con nít”.
Trong bấy nhiêu năm, Randy đi khắp các vùng miền ở Việt Nam, làm mọi cách để nhiều người biết đến mình nhưng không phải với vai trò một ca sĩ mà đơn thuần là “đứa con hoang” quay lại nơi mình có mặt trên cuộc đời với hy vọng gặp được người sinh ra mình.
Randy nói rằng, không phải là anh đang đi tìm mẹ vì anh không có tên tuổi, chỗ ở hay bất cứ thông tin nào về bà để tìm. Mà anh đang làm công việc “rao tin” về bản thân với hy vọng người sinh ra anh biết đứa con của mình còn sống và đang khát khao gặp bà.
Và những “người mẹ” trên hành trình
Cũng chính vì lẽ đó, trên hành trình của mình, Randy đã gặp không biết bao nhiêu người tìm đến anh, bản thân họ cũng nuôi hy vọng gặp lại được đứa con lai đã thất lạc của mình. Những người mẹ tìm gặp Randy, kể cả sau đó biết anh không phải là đứa con họ đang tìm, vẫn đưa đến cho anh nhiều tình cảm. Trong họ anh thấy được quá khứ đớn đau và dai dẳng chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc. Hậu quả của chiến tranh không chỉ để lại những cơ thể tật nguyền hay là sự hy sinh mất mát mà còn đó biết bao nhiêu người phụ nữ có con lai phải chôn dấu quá khứ như bí mật cuộc đời. Đó cũng là rào cản để những "đứa con lai" như anh khó khăn trong việc tìm lại người ruột thịt.
Có những người mẹ gọi điện cho Randy trong nước mắt khi đề nghị: “Tôi muốn gặp cậu vì có thể cậu là con trai của tôi, năm nay nó cũng tầm tuổi cậu. Nhưng chỉ có thể gặp trong bí mật, tôi không thể để ai biết được về sự thật này”.
Trên hành trình tìm mẹ của mình, anh đã gặp không ít "người mẹ" Việt mang những nỗi đau đáu về quá khứ.
Với các trường hợp, Randy đều hỏi han rất kỹ, nếu các thông tin không trùng hợp, anh từ chối gặp để họ không hy vọng cũng như tránh cho họ không gặp phải những tình cảnh khó xử.
Người Randy đến gặp gần đây nhất là bà mẹ gốc Huế hiện đang sống ở Đồng Nai. Các thông tin về đứa con của bà mẹ này thật ra chưa trùng khớp với thân phận của mình, Randy không đặt quá nhiều hy vọng nhưng vẫn quyết định đến gặp bà vì anh thật sự xúc động trước sự can đảm, công khai chuyện quá khứ đã giữ kín bấy nhiêu lâu để được gặp đứa con của bà. Người mẹ này rất tin tưởng anh là con trai của bà. Bà thường xuyên gọi điện hỏi han, nhắc nhở anh giữ gìn sức khỏe hay việc xét nghiệm ADN, bà tự đi lấy máu, đem đi gửi chứ không để ai làm vì không yên tâm.
Điều này là động lực cho anh bởi anh đã từng nghĩ đến tình huống, có thể mẹ biết đến sự xuất hiện hôm nay của mình nhưng vì cuộc sống hiện tại, quá khứ đau lòng mà không thể lên tiếng nhận anh.
Randy biết trường hợp một cô con gái lai, quay lại Việt Nam tìm gặp mẹ. Những người em cùng mẹ khác cha nhận cô, nhưng chính người sinh ra cô lại nhất quyết từ chối không nhận vì bà không đối diện được với quá khứ.
“Nếu điều đó xảy ra với tôi, tôi cũng không trách mẹ. Tôi đã lường trước điều này, nếu để nhận lại đứa con mà mẹ phải đánh đổi tất cả, phải đối mặt với quá khứ đớn đau thì không phải là điều tôi mong muốn. Cha mẹ có thể hy sinh vì con, con không thể hy sinh vì bố mẹ mà”, Randy chân thành.
Suy nghĩ là vậy, Randy vẫn không giấu được anh đang rất hồi hợp chờ đợi kết quả ADN vào giữa tháng 9 tới không chỉ riêng với người mẹ ở Đồng Nai mà còn với hai người phụ nữ ở Đà Nẵng và Đăk Lăk. Nếu kết quả lần này vẫn chưa cho anh gặp được mẹ, Randy nói việc anh quay lại tìm mẹ diễn ra một cách rất tự nhiên nên đến một ngày có thể kết thúc rất tự nhiên. Nhưng chí ít bây giờ anh đã để lại ADN như là giọt máu của mình ở Việt Nam, nếu người sinh ra anh muốn tìm gặp đứa con của mình sẽ dễ dàng hơn. Khi đó, Randy sẽ hoàn thành được khát khao sà đầu vào lòng bà để cất lên tiếng gọi “Mẹ”.
Chàng ca sĩ con lai xét nghiệm ADN tìm mẹ
Cuộc gặp giữa nam ca sĩ Mỹ gốc Việt - Randy với bà cụ ở Đồng Nai cùng cảnh ngộ "người đi tìm mẹ, kẻ mong gặp lại con" diễn ra trong mừng tủi. Hai người quyết định cùng lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN.
Mới đây chàng ca sĩ con lai đã đến Đồng Nai tìm gặp bà cụ tự nhận nhiều khả năng là mẹ đẻ của Randy. Đứa con bị bỏ rơi ở viện mồ côi những năm 70 cho biết, bà cụ ở Đồng Nai không phải là trường hợp đầu tiên mà lâu nay đã có trên 20 phụ nữ liên lạc và nghĩ anh chính là đứa con lai của họ. Tuy nhiên ca sĩ cho rằng những thông tin bà Hạ cung cấp có xác xuất trùng hợp cao nhất với mẹ ruột của mình.
Mặc dù còn một số thông tin về ngày tháng năm sinh hoặc cảnh ngộ khi đưa con vào viện mồ côi không khớp nhau, nhưng sau buổi trò chuyện cuối tuần qua, cả hai vẫn quyết định lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN.
Ca sĩ Randy gặp gỡ người phụ nữ mà anh hy vọng chính là mẹ ruột bấy lâu tìm kiếm.
"Nhà ngoại cảm nói là mẹ tôi đã mất, nhưng từ sâu thẳm lòng mình tôi vẫn linh cảm mẹ còn sống ở Việt Nam.
Khoảng 2 đến 3 tuần nữa sẽ có kết quả xét nghiệm ADN. Nếu đúng bà cụ là mẹ của tôi thì tuyệt vời quá, còn nếu không phải thì tôi vẫn xin được nhận bà là người mẹ tinh thần của mình", nam ca sĩ Mỹ gốc Việt tâm sự.
Randy cho biết anh đang hồi hộp và mong chờ kết quả xét nghiệm ADN. Nhưng nếu ngay cả những trường hợp "người nhận là mẹ" trên vẫn không đúng thì anh sẽ công bố kết quả ADN của mình trên các phương tiện truyền thông để người mẹ nào hoàn cảnh tương tự có thể tiện đối chiếu.
"Tôi luôn hy vọng mẹ còn sống, nhưng nếu sự thật mẹ đã mất thì tôi cũng phải chấp nhận thôi. Dù thế nào tôi cũng cần phải kiểm chứng rõ ràng. Trong trường hợp nếu mẹ mất thật thì tôi hy vọng mình vẫn còn anh em họ hàng thân thích", anh bộc bạch.
Thời gian qua, Randy cũng liên lạc với chương trình truyền hình "Như chia hề có cuộc chia ly" phát trên sóng VTV1 để nhờ tìm mẹ giúp. Đến nay ban tổ chức chương trình thông báo đã tìm được một cô gái ở Đà Nẵng có khả năng chính là em ruột của Randy. Bước đầu cô gái này kể rằng mẹ đã qua đời cách đây khá lâu và cô vẫn còn giữ bức ảnh của anh trai hồi nhỏ. Tuy nhiên những thông tin cụ thể về trường hợp này vẫn được chương trình giữ bí mật đến phút cuối.
Ca sĩ Randy. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Người phụ nữ ở Đồng Nai gần đây nhận có khả năng là mẹ của Randy, tên Hạ (quê ở Huế) năm nay 72 tuổi, hiện sống một mình trong một gian trọ nhỏ ở huyện Trảng Bom. Bà cụ cho biết, một lần tình cờ đọc bài báo viết về ca sĩ Randy, người Mỹ gốc Việt đi khắp nơi tìm mẹ, bà bàng hoàng bởi câu chuyện cuộc đời anh có nhiều điểm tương đồng với đứa con trai của bà bị thất lạc trước đây.
Bà Hạ kể mang thai đứa con trai thứ hai - có thể là Randy bây giờ - khi làm nhân viên một quán bar. Lúc đấy bà đã có con trai đầu lòng cũng là một đứa bé lai da đen, bị gia đình từ bỏ phải một thân một mình bươn chải nuôi con. Không thể một lúc chăm sóc nuôi dưỡng hai đứa trẻ, bà gửi đứa con mới chào đời được 7 ngày tuổi vào cô nhi viện Thánh Tâm ở Đà Nẵng. Đây chính là viện mồ côi mà Randy từng sống thuở nhỏ, cho đến khi được cho làm con nuôi một gia đình ở Hội An.
Người mẹ mất liên lạc với đứa con của mình từ khi ấy; còn cậu bé Randy sau này lại được chuyển làm con nuôi trong một gia đình gốc Hoa với mục đích giúp nhà cha mẹ nuôi cùng xuất cảnh sang Mỹ theo diện con lai. Khi đã sang được Mỹ, trái với hy vọng, cuộc sống của chàng trai gặp rất nhiều khó khăn gian khổ. Dòng đời đưa đẩy, Randy bén duyên với âm nhạc, nổi tiếng dần trong cộng đồng người Việt tại Mỹ là một giọng ca buồn đầy luyến nhớ quê hương.
Chàng ca sĩ Mỹ lai đã nhiều lần trở về Việt Nam hát và kết hợp tìm kiếm mẹ ruột.
Người mẹ Việt và đứa con lai ca sĩ nổi tiếng
Đứa bé da đen chào đời mới 7 ngày tuổi, người mẹ gửi vào Viện mồ côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng rồi khăn gói dắt con trai lớn cũng lai Mỹ vào Sài Gòn lập nghiệp. Sau 40 năm, ngày nay bà ngờ rằng ca sĩ Mỹ gốc Việt Randy chính là giọt máu bỏ rơi của mình.
Người mẹ ngày nay đã là một bà lão 72 tuổi đang cư ngụ ở Trảng Bom, Đồng Nai. Bà sống một mình trong căn phòng trọ khoảng 12 m2. Tài sản có giá trị duy nhất trong căn phòng là chiếc tivi cũ kỹ và có lẽ cả những dĩ vãng đau lòng...
Nét phong sương vẫn còn phảng phất đâu đó trên mái tóc bạc trắng, trong ánh mắt đượm buồn và giọng Huế nho nhã của bà lão đã bước sang tuổi xưa nay hiếm. Bà cho biết, đây là lần đầu tiên trong đời chia sẻ những góc khuất đời tư mà bà giữ bí mật suốt 40 năm qua...
Bà sinh năm 1940 tại Huế trong một gia đình trọng nho hơn mạng, trọng lễ hơn tài. Bà có rất đông anh chị em. Cha làm việc cho chính quyền chế độ trước và được điều về Sài Gòn công tác vào khoảng năm 1963, mang theo cái gia đình đông đúc ấy vào theo. Cô con gái xứ Huế lọt thỏm giữa chốn phồn hoa đô hội đã nhanh chóng sa ngã vào những cám dỗ cuộc đời. Giận đứa con gái không vâng lời, cha mẹ đã thẳng tay đuổi bà ra khỏi mái ấm. Thay vì tạ lỗi, cô con gái 25 tuổi cương quyết ra đi để tìm cuộc sống riêng cho mình bằng hai bàn tay trắng, không một đồng lận lưng.
Bức ảnh chân dung người mẹ chụp năm 1970.
Người phụ nữ nhớ lại, năm ấy nghe lời giới thiệu của bạn bè, cô gái xứ Huế vô gia cư xin vào làm bồi phòng ở cư xá Trương Minh Giảng. Đó là một chung cư dành cho quân nhân, nhân viên của phi trường Tân Sơn Nhất. Những ngày làm ở đây, bà quen với một quân nhân Mỹ gốc Phi có cái tên thường gọi là Kha Lưa. Chàng trai Mỹ xa gia đình luôn mang nỗi sợ chiến tranh và cô gái tứ cố vô thân nhanh chóng đồng cảm rồi yêu nhau lúc nào chẳng hay. Khi cô gái có bầu được 3 tháng, chưa kịp báo tin thì anh ta mãn hạn quân dịch trở về nước rồi bặt tin luôn.
Mang mặc cảm "chửa dại", bà bỏ việc đi giặt đồ thuê kiếm tiền sinh con. Đứa bé trai ra đời với nước da đen nhẻm và mái tóc quăn tít. Dù biết sẽ chịu lời đàm tiếu của xã hội đang lên án cuộc xâm lược của quân đội Mỹ, bà vẫn giữ lấy giọt máu với hy vọng có ngày người cha trở lại tìm con. Sau này bà mới biết đó là điều hoang tưởng.
Không tiền, không nhà cửa và không thân nhân, cuộc đời bà rơi xuống tận đáy xã hội. Bà ôm đứa con không cha đi làm "ôsin" cho các quán bar. Cuối năm 1970, tại một quán bar ở Phú Thọ, bà phát hiện mình lại có thai hơn 3 tháng với một người Mỹ khác. Lần này, bà chưa kịp biết tên tác giả bào thai thì ông ta biệt tích.
Đầu năm 1971, lẩn trốn thị phi, bà ôm con rời Sài Gòn về Đà Nẵng sống nhờ một người chị họ để chuẩn bị cho đứa bé ra đời. Vợ chồng người chị nghèo khổ với 6 đứa con nheo nhóc chấp nhận cưu mang thêm 2 mẹ con bà. Tuy họ không nói ra nhưng bà hiểu mình chỉ được phép tá túc ở đó trong thời gian vượt cạn. Bà có liên lạc với cha mẹ nhưng chỉ nhận được lời tuyên bố: Từ con. Lý do đơn giản vì bà đã làm xấu hổ gia phong lễ giáo của gia đình. Đứa cháu ngoại lai đầu tiên ra đời trong bối cảnh cả miền Nam đang sục sôi phong trào biểu tình lên án Chính phủ Mỹ xâm lược đã khiến cha mẹ bà rời bỏ Sài Gòn, bỏ xứ để tránh tai tiếng do bà tạo ra. Bây giờ có thêm đứa con lai, kể như bà đã tự đẩy mình xa vĩnh viễn cha mẹ.
Người mẹ già ngày nay luôn ray rứt mong tìm được đứa con lai.
Rứt ruột gửi con
Lần sinh này do thai khó, bà phải chịu mổ. Thời đó chi phí cho một ca sinh mổ rất đắt, số tiền dành dụm của bà cạn sạch. Lượng sức mình không thể nuôi nổi 2 đứa con trong tình cảnh vô gia cư, nghe theo lời khuyên của người chị họ, khi đứa bé thứ hai mới 7 ngày tuổi, bà gửi cho Viện mồ côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng. Khi giao con cho các sơ, bà mong đứa bé sẽ được chăm sóc tốt hơn là sống trong cảnh lang bạt kỳ hồ cùng bà.
Nhớ lại điều này, bà rơi nước mắt: "Không người mẹ nào muốn rứt núm ruột của mình. Không có nỗi đau nào hơn khi rời xa nó. Nhưng cặp nách một đứa bé sơ sinh, trong khi túi đã cạn tiền, không chỗ tá túc thì cả 3 mẹ con cùng chết đói. Tôi phải đi làm việc ngay để có cái ăn".
Dù chưa hồi sức sau ca sinh, bà dắt đứa con lớn trở về Sài Gòn ngay. Lần này, bà thuê một căn phòng trọ ở chợ Sài Gòn sống an phận bằng nghề may thuê quần áo cho các shop ở chợ. Dù thương nhớ đứa con ở Viện mồ côi nhưng bà không đủ tiền để đi thăm. Cuộc sống giữa Sài Gòn khiến bà luôn thiếu hụt. Bà lại cắn răng đem đứa con đầu nhờ một linh mục nuôi ăn học.
Năm 1975, Sài Gòn được giải phóng, chính quyền cách mạng trợ cấp cho bà một năm lương thực, một ngôi nhà và một lô đất tại vùng kinh tế mới ở Bù Đăng, Sông Bé (nay là Bình Phước). Cuộc đời bà rẽ sang trang khác, tươi đẹp hơn. Lần đầu tiên trong đời thoát cảnh vô gia cư, bà xin nhận lại đứa con từ người linh mục. Phận mẹ góa nuôi con côi ở vùng đất mới khổ cực trăm đường, bà vẫn nuôi đứa con trưởng thành. Người con này lấy vợ, sinh cho bà một cháu trai và một cháu gái.
Năm 2000, không có tiền để làm thủ tục xuất cảnh theo diện con lai, bà làm thủ tục giao đứa con trai đầu cho một gia đình khá giả làm con nuôi. Người con này hiện sống ở Mỹ, thường xuyên gửi tiền về cho bà chi tiêu. Các cháu của bà cũng thỉnh thoảng về Việt Nam thăm bà. Người con này đang làm thủ tục bảo lãnh bà sang Mỹ để chăm sóc. Chính vì vậy mà bà thuê căn phòng trọ này để ở tạm trong thời gian chờ xuất cảnh sang Mỹ.
Mong muốn gặp lại đứa con đã gửi vào Viện mồ côi Thánh Tâm, bà bật khóc: "Tôi không mong nó tha thứ. Tôi chỉ mong gặp nó một lần để nói cho nó hiểu tôi đã khổ tâm như thế nào khi gửi nó vào viện mồ côi". Những giọt nước mắt ăn năn lăn dài theo những vết nhăn trên gương mặt đau khổ.
Từ một bài báo viết về ca sĩ người Mỹ gốc Việt Randy khá nổi tiếng ở Việt Nam đang tìm kiếm người mẹ ruột, bà nói rằng "tôi bàng hoàng vì có vài sự trùng hợp với đứa con mà tôi gửi vào Viện mồ côi Thánh Tâm".
Bà run rẩy lục tìm những chiếc đĩa CD, VCD nhạc của ca sĩ Randy, rưng rưng: "Lần đầu tiên nghe Randy hát bài “Nó”, tôi đã bật khóc. Hình ảnh đứa bé mồ côi trong bài hát cứ ám ảnh, cào xé tâm can tôi hoài. Linh cảm đã khiến tôi nghĩ mình có mối liên hệ thiêng liêng nào đó đối với Randy".
Bà nói rằng đã dò hỏi về thân phận của Randy. "Khi biết Randy là con lai tôi bàng hoàng. Lúc đó, tôi chưa biết Randy xuất thân ở Viện mồ côi Thánh Tâm nhưng tôi cứ mang máng nhận ra nó mang thân phận giống đứa con thất lạc của mình. Tôi nhờ người lùng mua tất cả những đĩa ca nhạc của Randy về nghe và khóc thầm một mình. Mỗi khi Randy ra một album mới, tôi đều tìm mua cho bằng được. Nghe Randy hát bài “Mẹ”, tôi suy sụp tinh thần".
Nỗi ân hận một thời lầm lỡ
Bà đặt những bìa đĩa CD có ảnh của ca sĩ Randy bên cạnh những bức ảnh của đứa con trai đầu trên bàn như để nguôi ngoai nỗi ray rứt. Trong khay nhựa, bà cất giữ rất nhiều đĩa CD của chàng ca sĩ lai, kể cả những đĩa in sang lậu.
Bồi hồi suy tưởng về quá khứ, bà cho biết, sau khi gửi đứa con mới 7 ngày tuổi vào Viện mồ côi Thánh Tâm khoảng vài năm bà có trở lại thăm nhưng đứa bé không còn ở đó nữa. Các sơ cho biết, một số đứa trẻ ở Viện, trong đó có con của bà được những người hảo tâm nhận làm con nuôi. Bà không đủ tiền để truy tìm tông tích đứa bé đành ngậm ngùi trở về Sài Gòn.
Thất lạc đứa con, lòng đau như cắt nhưng bà được an ủi phần nào khi nghĩ rằng, con bà được sống sung sướng, hạnh phúc trong một gia đình khá giả. Dù vậy, thỉnh thoảng bà vẫn khóc thầm vì xót xa lo ngại con bà sống trong cảnh lang thang cơ nhỡ. Mỗi lần cơn ác mộng đó ập về, bà lại tự dằn vặt mình. Mỗi khi ra đường trông thấy một thanh niên nào đó có màu da sẫm là bà đến nhìn thật kỹ rồi hỏi thăm nhân thân để tìm chút hy vọng mong manh.
Bà bày tỏ: "Cho dù có thể không phải con tôi, tôi cũng muốn gặp để nói cho Randy biết rằng, nếu nỗi tủi thân của một đứa con lai mồ côi là một thì nỗi tủi nhục, đau đớn của bà mẹ có con lai như tôi phải là 10. Hãy thông cảm và tha thứ cho những bà mẹ giống tôi. Những người phụ nữ có quá khứ tuổi trẻ không đẹp thường che giấu bằng cách không kể với mọi người. Còn những bà mẹ như tôi, đứa con tố cáo tất cả. Nghịch cảnh ở chỗ, tình yêu đứa con - chỗ dựa tinh thần, lại cũng chính là nỗi tủi nhục quá khứ cho dù mọi người xung quanh không lên tiếng".
Randy là giọng ca nổi lên trong cộng đồng giải trí người Việt ở Mỹ vào năm 1992, được nhiều người biết đến. Ca sĩ là một đứa con lai Việt - Mỹ, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam với nhiều khốn khó, từng sống ở Viện mồ côi Thánh Tâm, được cho làm con nuôi, xuất cảnh sang Mỹ theo diện con lai. Trở về Việt Nam năm 2007, nhiều năm nay anh chú tâm tìm kiếm người mẹ thất lạc. Randy đang bận bịu chuẩn bị cho một chương trình ca nhạc tại Hà Nội nên chưa có dịp gặp người phụ nữ tự nhận là mẹ của chàng ca sĩ lai.
Nỗi buồn con lai của ca sĩ Mỹ gốc Việt
Từ đầu năm 2012, người ta thấy bóng một chàng trai Mỹ đen có giọng ca buồn ảo não thấp thoáng khắp các đường phố Hà Nội, Quảng Nam, TP HCM để… tìm người mẹ ruột và cội nguồn bí ẩn của mình.
Chàng trai ấy là Randy, nổi lên từ năm 1992 trong làng giải trí cộng đồng người Việt ở Mỹ với giọng ca mộc, không trau chuốt như lời tự sự trào ra từ cõi lòng, khiến khán thính giả phải rơi nước mắt. Giọng ca của anh đã đưa ca khúc "Nó" chu du khắp cộng đồng người Việt trên thế giới, rồi theo con đường record đĩa lậu tràn về các miệt vườn sâu tận quê nhà Việt Nam. Giai đoạn đó, hầu như đi đâu người ta cũng nghe giọng anh nỉ non: "Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ…".
Chuyến về Việt Nam lần này là chuyến thứ 4 trong hành trình tìm cội nguồn bí ẩn của Randy - ca sĩ mang hai dòng máu Mỹ - Việt. Chuyến đầu tiên vào năm 2007. Chuyến này, anh đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất đúng vào ngày giao thừa tết Dương lịch 2011-2012.
Từ khi bắt đầu nhận biết mình tồn tại trên cõi đời này, anh đã thấy mình mang tên Trần Quốc Tuấn và đang sống trong một cô nhi viện của nhà thờ. Như bao đứa trẻ mồ côi khác, anh sống những ngày ấu thơ vô ưu trong vòng tay thương yêu của những dì sơ. Mặc dù có cái tên Việt chính thức trong khai sinh là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1971 nhưng anh vẫn lờ mờ nhận ra gốc gác hai dòng máu Mỹ - Việt của mình qua lời nói của những người xung quanh: "Đó là thằng nhóc lai Mỹ đen".
Theo chính sách của Viện mồ côi, các dì sơ tìm cho anh một gia đình nhận làm con nuôi. Cuối năm 1975, một gia đình nông dân ở thôn 3, Cẩm Hà (nay là Thanh Hà), Hội An nhận nuôi anh. Người mẹ nuôi tên Nguyễn Thị Nữ và cha nuôi tên Nguyễn Húy. Họ có tất cả 7 người con gồm 5 trai 2 gái nhưng không hiểu sao, tất cả những người con trai trong gia đình này đều chết non. Họ xin nhận anh làm con nuôi để khỏa lấp nỗi đau mất con. Dù mang tiếng là con nuôi nhưng anh chỉ được phép gọi mẹ nuôi bằng "thím" và cha nuôi bằng "chú".
Thời điểm đó, đất nước đang trong giai đoạn phục hồi, nền kinh tế bị khủng hoảng do di chứng chiến tranh, nhiều gia đình khu vực nông thôn thiếu đói. Do cái nghèo cái khó bủa vây, bà mẹ nuôi phải lãnh bò về cho anh chăn thuê để kiếm thêm tiền gạo. Do mặc cảm thân phận con lai, anh mang ý nghĩ mình như một người ngoài hành tinh lạc loài giữa trái đất nên tự xa lánh mọi người, chui rúc vào rừng hoang, ruộng vắng, buồn một mình.
Đến năm 1983, khi nghe tin Chính phủ Mỹ có chính sách cho những gia đình nuôi con lai Mỹ ở Việt Nam nhập cư. Một gia đình người Hoa ở Hội An muốn nhập cư Mỹ nên đề nghị mẹ nuôi giao anh cho họ. Đổi lại, họ trao cho mẹ nuôi anh 3 cây vàng. Đang vật vã với cái nghèo, cái khổ, người mẹ nuôi đồng ý giao anh. Anh nhập hộ khẩu vào gia đình người Hoa này để hợp thức hóa thủ tục xin di trú vào Mỹ. Dù nhận làm con nuôi nhưng gia đình người Hoa nọ hoàn toàn không có chút thiện cảm nào với anh. Để chứng minh "công nuôi dưỡng", họ cho anh đi học.
Đến năm 1987, lại có nguồn tin cho biết chính phủ Mỹ bỏ chính sách nhập cư trẻ lai, gia đình người Hoa này cho rằng mình "đầu tư nhầm chỗ" nên không cho anh đi học nữa. Họ hoàn toàn bỏ mặc anh. Mang nỗi mặc cảm, tự ti thân phận anh lang thang đi tìm việc làm thuê để tự nuôi sống mình.
Anh xin vào một xưởng chế biến xì dầu để có cơm ăn, chỗ ở và nhận chút tiền lương. Năm 1987, cha nuôi anh bị chứng ung thư bộc phát. Lần đầu tiên đem món tiền làm thuê về thăm cha nuôi, anh rất hạnh phúc. Trong cơn đau, cha nuôi muốn được ăn tô bún bò. Anh dùng đồng tiền của mình đi mua bún bò cho ông. Ông vừa ăn vừa khóc vì sung sướng. Đang ăn, ông ho ra máu rồi qua đời.
Đến năm 1990, gia đình người Hoa tất tả đi tìm anh về vì có thông báo chính thức từ Đại sứ quán Mỹ. Anh cùng gia đình người Hoa này được sang California định cư.
Những tưởng chính phủ của "quê cha" sẽ dang tay chào đón giọt máu của những người "chết vì lá cờ Mỹ", không ngờ, họ chẳng đoái hoài gì đến thân phận của hơn 20.000 đứa trẻ lai ở chiến trường Việt Nam. Anh chỉ nhận được tấm "thẻ xanh" như những người lưu vong khác. Khi gia đình người Hoa đã đạt được mục đích, thì họ cũng chẳng thiết đoái hoài đến anh nữa.
Theo quy chế, hàng tháng Chính phủ Mỹ trợ cấp cho gia đình người Hoa đó một khoản tiền tính theo số đầu người. Họ sòng phẳng trao cho anh 220 USD. Anh phải trả 100 USD cho họ để được ngủ ở phòng khách, 80 USD còn lại cho tiền ăn.
Lạ khí hậu, anh đổ bệnh nhưng không ai chăm sóc. Nằm bẹp gí trong căn phòng khách cô đơn, nhớ về quê mẹ Việt Nam, anh khóc tủi thân một mình. Lạc lõng giữa đất Mỹ, anh lại muốn quay về quê mẹ nhưng không thể. Sau 7 tháng làm quen môi trường mới, anh tự mò mẫm đi làm hồ sơ xin nhập học. Nhờ bản tính hòa đồng, thân thiện anh có được nhiều bạn bè ở ngôi trường này.
Năm 1992, anh tham gia một cuộc thi karaoke có 80 thí sinh và đạt được giải khuyến khích. Phấn khích, anh tiếp tục tham gia cuộc thi hát karaoke được tổ chức ở quán cà phê Văn - California, lần này anh đã đoạt giải nhất với ca khúc "Lần đầu cũng là lần cuối". Giọng ca lạ, u buồn của anh đã thu hút sự chú ý của một nhạc sĩ (nay đã qua đời). Nhờ sự giới thiệu của nhạc sĩ ấy mà anh được Trung tâm Hải Âu ký hợp đồng mời hát. Trung tâm Hải Âu giao cho anh ca khúc "Nó". Lần đầu tiên thể hiện ca khúc này, anh cảm nhận được "thằng bé" mồ côi trong nhạc phẩm chính là thân phận thật của mình. Đồng cảm với ca khúc, anh đã hát như khóc than cho chính số phận con lai của mình. Những uất ức, buồn tủi ứ đọng từ thuở ấu thơ tràn hết qua giọng ca của anh. Những người lần đầu nghe anh hát đều rơi lệ thổn thức. Có người đã ôm lấy anh khóc òa.
Kiểu hát tự sự bằng giọng mộc, tự do phiêu, không cầu kỳ của anh đã khiến làng ca nhạc Việt ở hải ngoại có thêm màu sắc mới. Anh bắt đầu xuất hiện thường xuyên ở các sân khấu ca nhạc Việt ở Mỹ. Ở buổi hát nào anh cũng chạm đến tuyến lệ của người nghe.
Sau này, anh được một số ca sĩ có tên tuổi khác mời hát chung. Thời điểm vàng son, trung bình mỗi tháng anh thu nhập khoảng 20.000 USD. Đời anh rẽ sang trang mới, đầy ánh hào quang.
Nghe ca sĩ Randy hát về quê hương
Không còn vật lộn với miếng ăn, chỗ ở nữa, anh có thời gian để nghĩ đến quá khứ của mình.
Câu hỏi "mẹ là ai ở quê nhà" bắt đầu trào dâng trong tâm khảm Randy. Những đêm cô đơn quạnh hiu, anh tưởng tượng mẹ ruột của mình là một bà lão mặc áo bà ba, tóc sương, hiền hậu. Cứ mỗi dịp đến ngày Mother's day, anh thèm được tặng quà cho mẹ như mọi người. Nỗi day dứt ấy xui khiến anh tự sáng tác một ca khúc về mẹ. "Cuộc đời tôi nơi đây, bước chân trên đường xa lạ. Dù là nơi quê cha, vẫn mang nhiều chua xót... Ôi nói sao cho vừa, bao nhớ nhung trong tim tràn dâng...".
Randy đến với nghiệp hát như một sự tình cờ của số phận. Anh không có chút kiến thức nhạc lý khi đã đăng quang trên sân khấu. Vì thế, ca khúc "Mẹ" của anh cũng chỉ nằm trong ý tưởng sáng tác. Anh quyết định đi học một lớp nhạc lý căn bản tại trường Golden West để có thể tự sáng tác. Đến năm 2000, anh mới hoàn chỉnh ca khúc "Mẹ". Ca khúc lập tức được nhiều người đón nhận, bởi nó được sáng tác bằng tất cả nỗi niềm khát khao của một đứa trẻ mồ côi.
Dù sống trên đất Mỹ, Randy chưa bao giờ có ý định tìm cha mình là ai, mặc dù, chuyện đó hoàn toàn không khó. Ở Mỹ, muốn tìm cha, anh chỉ việc đến Trung tâm lưu trữ hồ sơ lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam thử ADN là có kết quả. Nhưng anh không làm. Anh hận cuộc chiến tranh của quê cha đã tạo ra những nghịch cảnh ở quê mẹ. Anh căm ghét cái giả dối, đạo đức giả của chính phủ quê cha lúc bấy giờ, với ý nghĩ: "Họ thực hiện các chính sách đón con lai để kiếm phiếu bầu của cử tri chứ họ không hề đoái hoài đến số phận của những con người này".
Randy tâm sự trong anh chỉ có duy nhất tình yêu quê mẹ đã cưu mang đùm bọc anh từ thuở lọt lòng. Anh hướng lòng về quê mẹ trong những ca khúc buồn và tự hứa sẽ về Việt Nam tìm mẹ ruột.
Dấu tích ở viện mồ côi
Trở thành ca sĩ nổi tiếng, Randy đi diễn khắp các cộng đồng người Việt trên thế giới. Sau mỗi lần hát xong, anh luôn nhắn nhủ lời tìm mẹ với khán giả. Nhiều lần anh tự hỏi rồi tự trả lời với lương tâm mình: Điều tôi cần duy nhất trong đời này là chính thức một lần gặp mẹ, được cảm nhận tình cảm máu mủ ruột rà.
Năm 2007, sau nhiều lần thu xếp, anh quyết định về Việt Nam tìm về cội nguồn thật của mình.
Nơi đầu tiên anh tìm đến là nhà mẹ nuôi đã hơn 80 tuổi để hỏi thăm một số thông tin về gốc gác của mình. Lần theo thông tin này, Randy đến Viện mồ côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng. Sơ Diệu Thới đặt trước mặt anh một quyển sổ ghi chép khá dày. Anh và sơ dò tìm suốt ngày mới tìm ra cái tên Trần Quốc Tuấn của mình. Theo ghi chép, anh sinh vào ngày 25/1/1971 tại Bệnh viện Hải Châu, Đà Nẵng. Một tháng sau, tức ngày 26/2/1971, chính mẹ ruột của anh mang anh đến gửi vào Viện. Tiếc rằng, tên mẹ ruột của anh không được ghi vào sổ. Bí mật này, có lẽ bà sơ ghi chép nắm giữ, nhưng bà đã qua đời. Cũng theo thông tin trong sổ ghi chép, ngày 15/11/1975, anh được giao cho người mẹ nuôi mà anh biết.
Sơ Diệu Thới phân tích, tất cả những đứa trẻ mồ côi không lai lịch, khi đến Viện đều được mang tên lót là "Bảo" và mang họ của người tiếp nhận. Riêng anh mang tên lót là "Quốc", chứng tỏ, khi vào Viện, anh đã có tên sẵn do chính mẹ ruột đặt cho. Điều đó mang cho anh chút hy vọng mong manh rằng mẹ đang sống đâu đó trên đất nước Việt Nam và anh vẫn còn có cơ hội tìm gặp mẹ. Nhưng những dòng chữ ít ỏi lưu trong sổ không hề có chỉ dấu nào để anh lần ra tông tích của bà. Randy bật khóc như đứa trẻ bị số phận đời chối bỏ. Anh còn khóc vì lần đầu tiên biết thân phận, gốc gác thật của mình.
Anh đi tìm nhà ngoại cảm Đoàn Việt Tiến với hy vọng mong manh. Nhà ngoại cảm cho biết, mẹ anh đã chết, đồng thời vẽ lại chân dung mẹ cho anh. Đi đâu anh cũng mang theo bức ảnh này. Nhà ngoại cảm hứa sẽ tìm mộ mẹ cho Randy. Nhưng trong tâm khảm mình, anh không tin mẹ đã chết. Chính sự khao khát về mẹ đến vô bờ như vậy nên mỗi lần về Việt Nam anh vẫn mòn mỏi kiếm tìm…
Chân dung mẹ của Randy vẽ từ nhà ngoại cảm.
Sau 4 lần về Việt Nam, chuyến này, anh dự định ở lại 2 năm để tìm cho ra tông tích mẹ.
Randy chia sẻ: "Tôi vẫn tin rằng, khi giao tôi cho Viện cô nhi, mẹ tôi rất khổ đau. Có lẽ do áp lực gia đình, áp lực chiến tranh, mẹ tôi buộc lòng phải làm thế. Nếu mẹ nhẫn tâm, có thể mẹ bỏ tôi đâu đó ngoài đường. Mẹ mang tôi đến tận Viện cô nhi, tức là mẹ mong tôi được các sơ chăm sóc tốt, sống nên người".
Anh tự hào về dòng máu Việt trong huyết quản của mình, thế nên trong tất cả các sáng tác của mình, anh đều hướng về quê mẹ. Ca khúc "Ước gì cho quê hương" là nỗi lòng thật của anh dành cho quê mẹ: "Ước mơ ngày trở về quê mẹ hiền tôi thương nhớ. Đường làng cây đa đó có bao giờ tôi quên. Ta cùng nhau ước cho quê hương hết những nhọc nhằn, cho mọi người ta thương ta mến…".
……………..
Mới đây một bà cụ 72 tuổi đang sống ở Đồng Nai đã lên tiếng nhận Randy là con ruột bỏ rơi của mình, với nhiều cơ sở cho rằng câu chuyện cuộc đời của anh tương đồng với những điểm về đứa con lai bà gửi vào Viện mồ côi Thánh Tâm Đà Nẵng. Bận chuẩn bị chương trình ca nhạc tại Hà Nội, Randy vẫn chưa vào Nam để gặp mặt người phụ nữ này. "Cũng có thể không phải là con tôi, nhưng tôi vẫn muốn gặp Randy một lần để nói rằng nếu nỗi tủi thân của đứa con lai mồ côi là một thì nỗi tủi nhục, đau đớn của bà mẹ có con lai như tôi phải là 10. Hãy thông cảm và tha thứ cho những bà mẹ giống tôi", bà cụ chia sẻ.
Video clip: Randy- Hành trình tìm mẹ (Rất hay, bạn nên xem)
Nếu có bất kỳ thong tin gì, hãy báo cho Randy nghe các bạn !
Trang Webblog của Skyskysky
Thân mời quý bạn chọn các bản nhạc dưới để xem vv
Phôi Pha_Khánh Ly Diễm xưa_Khánh Ly Tiếng hát Dạ Lan_Khánh Ly Về đây nghe em_KL_NNN Chiều Một Mình Qua Phố Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui_Khánh Ly Khanh Ly_Ru Ta Ngam Ngui Ca Dao Mẹ - Khánh Ly Một Cõi Đi Về - Khánh Ly Video: THẦY TRẦN PHÁT LẠC Thời trang và ẩm thực_TTC Ghé thăm thầy Trần Phát Lạc Thầy tôi và bạn bè Khóa 66 - 71 Phỏng vấn Thầy TRẦN PHÁT LẠC Skyskysky Mỹ Lệ_Phố biển tình anh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét