-->

Trang Webblog của Skyskysky




Ngăn dòng
Thân mời quý bạn chọn các bản nhạc dưới để xem vv
Ngăn dòng
Phôi Pha_Khánh Ly Diễm xưa_Khánh Ly Tiếng hát Dạ Lan_Khánh Ly Về đây nghe em_KL_NNN Chiều Một Mình Qua Phố Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui_Khánh Ly Khanh Ly_Ru Ta Ngam Ngui Ca Dao Mẹ - Khánh Ly Một Cõi Đi Về - Khánh Ly Video: THẦY TRẦN PHÁT LẠC Thời trang và ẩm thực_TTC Ghé thăm thầy Trần Phát Lạc Thầy tôi và bạn bè Khóa 66 - 71 Phỏng vấn Thầy TRẦN PHÁT LẠC Skyskysky Mỹ Lệ_Phố biển tình anh
Ngăn dòng

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Nhà thơ VŨ HỮU ĐỊNH

Giang hồ đâu dễ ai phong ấn
Mà nghĩ từ quan trở lại quê


Khi các nhà thơ Việt Nam hoạt náo thơ trường trong ngày thơ Việt Nam, nhóm thi sĩ Bông Tê Sên và bạn bè thân hữu từ Sài gòn đã đến dự giỗ lần thứ 26 thi sĩ Vũ Hữu Định tại Đà Nẵng. Trần Từ Duy (Sài Gòn), Hà Đình Thao, Trần Thiên Thị, Nguyễn Đốc, Phạm Phú Hải, Trần Phương Kỳ... cùng chị Vân vợ thi sĩ Vũ Hữu Định đọc thơ và kể lại những kỷ niệm với thi sĩ... Sinh thời thi sĩ mê uống rượu nhưng không có tiền uống rượu. Hôm qua, thơ tràn ra, rượu cũng tràn ra (toàn rượu Tây, loại xịn) trong căn nhà nhỏ năm xưa thi sĩ sống. Nghe thơ thất chí giang hồ, chạnh thương kiếp làm thi sĩ của Vũ Hữu Định.



Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung.
Sinh năm 1942 (Nhâm Ngọ) tại Huế.
Sinh sống ở Đà Nẵng từ nhỏ.
Vũ Hữu Định làm thơ đăng nhiều tạp chí ở sài gòn trươc 1975 nhưng chưa xuất bản tập nào
Đến khi gần 20 năm sau thi sĩ qua đời, Trần Từ Duy (Đông Ki Rét) cùng nhóm bạn mới tập hợp và in tập “Còn chút gì để nhớ”, gần đây in tại Hoa Kỳ có bổ sung.
Tập thơ lấy tên theo bài thơ nổi tiếng đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.
Tôi nghĩ, thành phố Pleiku, quê hương thứ hai của nhà thơ Văn Công Hùng phải có một hành động gì đó để tri ân thi sĩ Vũ Hữu Định vì bài thơ “Còn chút gì để nhớ”.
Hồi còn sống, Vũ Hữu Định chỉ có rượu, thơ và bạn bè. Chị Vân kể, Tết năm 1981, thi sĩ hỏi vợ: “Năm ni nhà mình có làm chi để cúng không?”. Chị Vân trả lời không có tiền để mua sắm . Vũ Hữu Định lang thang khắp hết bạn này đến bạn khác, tới hồi đó chị Vân nghe hỏi như rứa cũng xúc động. Anh tặng chị bài thơ mới viết “Bài thơ năm 40 tuổi” như là một dự cảm của số phận.
Ra tết, thi sĩ rủ vợ chở con đi thăm bạn bè. Chị Vân không đi. Vũ Hữu Định nói, sau này các con mình có vợ chắc em đi làm sui với người ta chớ anh không đi. Chị Vân hỏi lại: Chứ bộ anh tính đi vượt biên à? Vũ Hữu Định trả lời chắc anh sẽ chết.
Tối 17 tháng giêng năm Gà, anh sang quận 3 (cũ) uống rượu cùng nhóm Bông Tê Sên. Uống nữa chừng Vũ Hữu Định kêu mệt, lên gác nằm. Nửa đêm anh thức dậy, đi xuống cầu thang và bị ngã. Tưởng anh chỉ say rượu thôi, bạn bè đưa anh đi nằm. Tới sáng ra, mọi người mới hay thi sĩ đã ra đi từ hồi mô rồi...
Sống cũng nghèo, chết đi cũng nghèo. Chị Vân nói hồi đó cái quan tài rẻ nhứt giá 1.200 đồng, bạn bè góp hết mới được 600 đồng. Cả nhà không biết lấy chi mua quan tài. Cầm chừng nớ tiền trong tay ngó nhau sững sờ. Ngay lúc đó, như một đấng cứu tinh xuất hiện. Bà chị của chị Vân chở đến cho thi sĩ một cỗ quan tài. Mọi người mừng quá ôm nhau khóc...
Vì sao Vũ Hữu Định qua đời? Chắc chắn là do thi sĩ bị chấn thương sọ não ngay sau khi ngã nhưng bạn bè không biết. Hôm qua ai cũng kể, Vũ Hữu Định là người thích uống rượu đọc thơ với bạn bè. Anh thường bỏ nhà đi “giang hồ’ dăm ba bữa đến cả nửa tháng mới về. Vũ Hữu Định có tật uống rượu say luôn thì thôi, chứ hễ uống nửa chừng, ngủ lại nhà bạn bè, thế nào nửa đêm anh cũng nhớ vợ con mà tự ý ra về. Cái đêm định mệnh đó, chắc anh sực tỉnh giữa đêm vùng dậy đi về ra đến cầu thang thì ngã...
Chuyện về Vũ Hữu Định trong ký ức bạn bè rất nhiều. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hôm qua từ Sài Gòn cũng ra Đà Nẵng nhưng không kịp đến dự giỗ lần thứ 26. Anh Ánh kể: Hồi Vũ Hữu Định trốn lính ở Sài Gòn, Nguyễn Nhật Ánh cũng hết tiền nhưng không biết mượn ai, bèn nhắn tin trên tạp chí Văn để gặp Vũ Hữu Định. Hồi đó năm 1973, làm chi có điện thoại liên lạc với nhau như chừ. Thấy tin nhắn cần gặp, Vũ Hữu Định tìm đến nhà trọ Nguyễn Nhật Ánh. Không ngờ Vũ Hữu Định cũng định tìm gặp Nguyễn Nhật Ánh để mượn tiền!!! Gặp nhau, cả hai ngớ người ra hết!
Nguyễn Nhật Ánh nói, có lẽ Vũ Hữu Định làm thơ giang hồ hay vì thi sĩ có thời gian trốn lính lang thang khắp nơi. Cuối cùng cũng bị bắt quân dịch. Ngày giải phóng ra, thi sĩ bị bắt đi học tập cải tạo thời gian khoảng 1 tháng. Hồi đó chị Vân kể, khi thi sĩ đi cải tạo, chị tìm đến gặp ông Chủ tịch phường trình bày hoàn cảnh. Chủ tịch phường hỏi, chồng chị làm gì? Chị Vân bảo làm thơ. Ông này nhảy dựng lên liền. “Thôi! Thôi! Chị về đi! Tôi giúp chồng chị ra liền!”. Hoá ra ông chủ tịch phường cũng làm thơ và mê thơ, giúp cho Vũ Hữu định ra thiệt!
Chuyện Vũ Hữu Định rất dài, nói một chút không hết. Bạn Trần Tuấn (báo Tiền Phong) đang dự định viết một sêri bài về Vũ Hữu Định và nhóm Bông Tê Sên. Những thi sĩ nghèo, hồn nhiên, chan hòa một nhóm với nhau, chỉ có một niềm đam mê với thơ. Đam mệ thiệt và cũng chẳng cầu cạnh làm thơ để nổi tiếng hay để vô hội. Họ là thi sĩ theo đúng tên gọi của từ này!
Chắc các bạn không bao giờ biết những thi sĩ thượng thừa như Phạm Phú Hải, Tô Như Châu... nhỉ? Tô Như Châu là tác giả bài thơ được A Khuê phổ nhạc “Có phải em mùa thu Hà Nội?” hồi trước Thu Phương hay hát. Phạm Phú hải tự học, tự luyện tới tầm của một thiền sư. Chúng ta sẽ chờ loạt bài của Trần Tuấn về những tài hoa này...
Nhà Thơ Vũ Hữu Ðịnh (1942-1981)

Phố núi cao,
phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân...
May mà có em đời còn dễ thương.



VÀI DÒNG VỀ VŨ HỮU ĐỊNH

Vũ Hữu Định sinh năm Nhâm Ngọ, 1942, tại Huế, nhưng định cư tại Đà Nẵng lâu năm và thường xuyên tham gia trong nhóm sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật Quảng Đà. Trước 1975, với những tên tuổi Luân Hoán, Hà Nguyên Thạch, Trần Quang Lộc, Hoàng Lộc, Thành Tôn, Đinh Hoàng Sạ...anh làm thơ rất nhiều, có thơ đăng trên các tạp chí Văn Học xuất bản tại Sài Gòn. Nhưng đợi đến khi Phạm Duy phổ nhạc bài thơ "Còn Một Chút Gì Để Nhớ" và qua tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh, mới thực sự chắp đôi cánh tuyệt vời cho ý thơ anh bay bổng, và chính tôi cũng yêu thích bài thơ của anh từ đó. Anh đã có công đưa thành phố núi cao đầy sương và bụi mù đó vào trong trái tim của mọi ngườị.. "Phố núi cao, phố núi trời gần. Phố xá không xa nên phố tình thân..." Tôi đã có dịp đến thăm một nhà thơ ở Pleiku, và tôi đã yêu phố núi cao đó qua lời thơ của Vũ Hữu Định. Thành phố có cái nắng hiu hắt thật buồn "...Anh khách lạ đi lên đi xuống. May mà có em đời còn dễ thương...".
Nếu không có em, lữ khách sẽ cảm thấy buồn vô tận, chính vì thế mà tôi phải vội vã rời Pleiku trước khi mặt trời khuất sau dãy núi xa thẳm. Trước khi giã từ Đà Nẵng, tôi có gặp lại nhà thơ Vũ Hữu Định thêm một lần ở Café Chợ Cây Mẹ, anh vẫn thế, nghĩa là vẫn vô sản hơn những người vô sản sau những ngày giông bão tới. Khi chúng tôi đến định cư ở Hoa Kỳ, được tin nhà thơ Luân Hoán cho biết, Vũ Hữu Định đã chết vì say rượu té từ căn gác xuống đất tại nhà một người bạn bên bờ sông Đà Nẵng vào một đêm trăng tháng Giêng tuyệt đẹp năm Tân Dậu 1981.
Thời gian như dòng sông cuồn cuộn trôi qua, những nhà nghệ sĩ tài hoa như Phạm Đình Chương, Lê Uyên Phương, Trầm Tử Thiêng, Hùng Cường, Văn Phụng, giờ chắc đã thong dong nơi miền Vĩnh Cửu, đã hết vướng bận những khổ lụy nơi trần thế. Bây giờ đến lượt Sĩ Phú đã ra đi, nhưng dư âm của giọng hát trầm ấm "Còn Một Chút Gì Để Nhớ" cho chúng ta gợi nhớ đến một buổi chiều trên phố núi đầy sương có chàng thi sĩ Vũ Hữu Định lang thang u hoài viết nên bài thơ để đời. Có biết hay chăng nơi phố núi Pleiku ngàn trùng thương nhớ đó, người đẹp năm xưa như một tiền kiếp đợi chờ, cả người thơ và nhà nghệ sĩ không gian có tiếng hát như ru em vào cõi mộng mơ miên viễn, bây giờ xa vắng hết chỉ còn rơi lại nỗi sầu muôn thuở như ánh nắng vàng bên triền núi thiên thu.
Một bài viết về Vũ Hữu Định của nhà thơ Luân Hoán
Vũ Hữu Định, còn rất nhiều điều để nhớ
Với chiều cao khoảng một thước sáu nhưng có bề ngang, cộng với dáng đi chữ bát, cộng thêm lối ăn vận lè phè, nhà thơ Vũ Hữu Định trông gần như hơi thấp. Anh không có khuôn mặt đẹp trai, nhưng nhìn rất bắt mắt. Nụ cười xuề xoà luôn luôn đi trước giọng nói dí dỏm, bộc trực đã thắp sáng khuôn mặt ngả màu nâu sậm của nhà thơ miền trung ra đời vào thập niên bốn mươi nàỵ.
Năm 1970, năm tôi không may mắn phải giã từ rừng núi và phố chợ Quãng Ngãi để trở về với Đà Nẵng, tôi đã gặp và quen nhà thơ Vũ Hữu Định. Lúc đó hình như anh đang mặc áo cán bộ xây dựng nông thôn. Địa bàn công tác của anh lòng vòng ven rìa thành phố như Thanh Khê, Hà Khê, An Hải, Sơn Trà... Anh chợt đi, chợt về. Đặc biệt là lúc nào cũng có vẻ thong dong, giàu có thời giờ phất phơ phố xá. Anh làm thơ nhiều trong giai đoạn nàỵ Thơ của anh hầu hết được đăng trên các tạp chí văn chương tại thủ đô Sài gòn. Bài "phố núi cao...phố núi đầy sương...", một bài thơ viết về thị trấn Pleiku, một phố thị miền núi của cao nguyên Việt Nam, vói đầy đủ nét hoang sơ, lạnh lùng, đã được nhìn, được vẽ bởi một nhà thơ hết lòng yêu thiên nhiên, nên vô cùng linh động, thân mật.
Trời đất và con người như một khối đồng nhất, thở chung một nhịp. Tất cả đều có thật, ngoại trừ nhân vật chính, người đã khai mở, dẫn dắt thi tứ của chàng thi sĩ dừng chân ở một nơi "đi dăm phút trở về chốn cũ." Trong cái hạn hẹp của một không gian hoang vắng, trước cái trống lạnh của tâm hồn, Vũ Hữu Định chợt thấy trên đường anh đang đi "may mà có em đời còn dễ thương." Và anh đã chân thành "cảm ơn thành phố có em", một thành phố núi đã ưu ái cho đời anh "còn một chút gì để nhớ, còn một chút gì để thương." Người em tuyệt vời kia, cái ngôi sao lấp lánh, thắp sáng cho cảnh sắc Pleiku quần tụ chung quanh, trong một cuộc nhúng lời vào rượu, Vũ Hữu Định đã tiết lộ cùng tôi em chỉ là vóc dáng tưởng tượng mà anh đã nhặt ra trong những giờ phút trôi nổi linh hiển nhất của anh: làm thơ.
Mặc dù người đẹp của Vũ Hữu Định không hiển hiện bằng xương thịt như anh đã bày tỏ, nhưng nàng đã thở vào thơ anh làn hơi ấm áp tình người đủ để ngôn ngữ anh tác thànhbài thơ lộng lẫỵ Và may mắn hơn nữa bài thơ đã được người nhạc sĩ tài hoa chắp thêm cho đôi cánh vàng nên sức bay của nó càng lên cao, thêm xa, sống còn đến ngày nay trong lòng người thưởng ngoạn.
Thơ Vũ Hữu Định giống như bản tính của anh: yêu đời, thong dong, cởi mở. Ngoài thơ và rượu, giao du với bạn bè cũng là cái thú lớn của anh. Người bạn thân của anh thời đó có lẽ là anh Đoàn Huy Giao, một nhân viên nhà in Da Vàng của anh Khanh, bạn tôi; một thành viên khăn đỏ của những ngày sau 29 tháng Ba, 1975.
Vũ Hữu Định lang thang suốt ngày chỉ với hai bàn chân, không phương tiện gì khác. Chúng tôi thường gặp nhau ở quán cà phê Lộng Ngọc của cố hoạ sĩ Lâm Quang Phước [bỏ mình trong một cuộc vượt biển] hoặc ở trong một căn nhà trên đường Nguyễn Hoàng, tổ ấm của đám thiếu nhi bụi đời sống ngoài hè phố. Vũ Hữu Định đảm nhiệm một phần công tác dìu dắt tinh thần các em ở đâỵ Nhìn anh trò chuyện vui chơi với đám trẻ vô gia cư, ngoài việc bắt gặp nét hồn nhiên của anh, thỉnh thoảng tôi còn thấy thấp thoáng trong niềm vui của anh vướng mắc một cái gì thật man mác ngậm ngùi.
Vũ Hữu Định có một đời sống vật chất không mấy khả quan. Quen biết nhau khá lâu nhưng anh từ chối không thuận cho tôi đến nhà chơi, cũng không hề đề cập đến gia cảnh của anh. Biết anh có vợ, có con nhưng mãi về sau này tôi mới tình cờ được gặp trong một hoàn cảnh thật buồn. Mặc dù nghèo nhưng Vũ Hữu Định vẫn thong thả rong chơi. Cảm mến bản tính của anh, trong một bài thơ nhắc đến bạn bè, bài "Trên Vuông Chiếu Đời Ta" in trong tập Rượu Hồng Đã Rót xuất bản năm 1974, tôi đã viết về Vũ Hữu Định như sau:

bỗng muốn như thằng Vũ Hữu Định
càng nghèo càng đói càng rong chơi
lang thang với lũ-con-hè-phố
còn có ai hơn? họa có trời
vá víu lòng sầu hoa với gạo
chẻ tình nhau buộc lại tao nôi
hát ca thay thế lời cầu nguyện
Thượng đế quên nhìn lũ bỏ rơi.


Biến cố của đất nước năm 1975 đã làm đảo lộn cuộc sống của chúng tôi. Nhưng phải thành thật mà nói, tôi và Vũ Hữu Định được may mắn, rất may mắn hơn nhiều người, hơn rất nhiều người.
Sau thời gian cải tạo ngắn ngày tại trại Ngô Văn Sở [trong thành phần sĩ quan đã giải ngũ], tôi được trở về công việc cũ nhờ có chút nghiệp vụ kế toán ngân hàng mà chính phủ mới đang cần trong lúc Vũ Hữu Định hình như đang còn bị cải tạo vì hai tội danh: cán bộ xây dựng nông thôn, tình nghi hoạt động cho CIA vì có chân trong tổ chức nuôi dưỡng đám thiếu nhi vô gia cư.
Bỗng một đêm sau khi cửa hàng bán quạt máy cũ và phụ tùng của vợ tôi đã đóng cửa, chúng tôi đã ăn tối xong ngồi xớ rớ đợi điện đỏ lại vào lúc chín giờ thì có tiếng gõ cửa sau. Vũ Hữu Định bất ngờ đến thăm dẫn theo một người đàn ông trung niên, áo quần mặt mũi thơm tho hương đất Bắc, mùi hương tôi đang rất sợ. Vũ Hữu Định vẫn cởi mở, vui vẻ như ngày nào. Anh không chậm trễ giới thiệu: nhà thơ Phùng Quán. Thật ngỡ ngàng xúc động! Trong niềm vui dược gặp một nhà thơ từ lâu mình ưa thích, không hiểu sao tôi vẫn có chút lo sợ vơ vẩn. Vũ Hữu Định im lặng trong lúc anh Phùng Quán chăm chú đọc bài thơ đầu trong tập Rượu Hồng Đã Rót của tôi. "Thơ đúng là thơ!" Anh Phùng Quán chợt nói. Tôi liếc qua, không thấy anh Quán nhìn lại tôi, nhưng tôi đã cảm thấy yên tâm. Dĩ nhiên sau đó chúng tôi trò chuyện, tán gẫu về văn nghệ. Tiếc rằng ngày nay cả hai anh Phùng Quán và Vũ Hữu Định đều đã ra người thiên cổ nên tôi không dám kể lể nhiều ở đâỵ
Lần gặp gỡ anh Phùng Quán đó là lần đầu và cũng là lần cuốị Cũng may tôi đã ghi lại ít dòng thơ để kỷ niệm. Bài thơ có tên "Mừng Gặp Người Bạn Thơ" được in trong tập Hơi Thở Việt Nam do Sông Thu và Nhân Văn xuất bản tại Hoa kỳ năm 1986. Tôi xin phép được trích dẫn hai đoạn cuối của bài thơ đó:

bạn có nhớ không lời mẹ dặn
hoang vu nằm dưới những gót giày
ta mơ trời sáng ngồi chép lại
thơ bạn run lên những ngón tay

giờ chừ đãi bạn không còn rượu
chan chứa còn đôi giọt mực này
đây khói thuốc ngày gặp gỡ
đóm lửa loè lên được mấy giâỵ
[Hơi Thở Việt Nam, trang 83]


Bài thơ này tôi chưa có dịp gửi đến anh Phùng Quán và chắc chắn bạn đọc cũng rất khó phát giác tôi viết để tặng anh. Bởi lẽ ba chữ Lời Mẹ Dặn tôi cố tình cho in bình thường không viết hoa. Vũ Hữu Định cũng chưa đọc qua bài thơ này, kể cả nhiều bài khác tôi viết sau năm 1975.
Tôi ngại cho anh đọc bởi vì anh có tính thích bốc thơm bạn bè lại không được kín miệng khi đã say chuyện văn nghệ. Thời điểm này Vũ Hữu Định cũng làm thơ nhiều, mỗi lần ghé tôi chơi anh đều đọc cho tôi nghe những sáng tác mới. Tiếc rằng trí nhớ của tôi rất tồi tệ và thú thật tôi đã rất lơ đãng trước nhiệt tình của anh. Tôi sợ. Không phải sợ Vũ Hữu Định mà sợ những ông bạn văn mới có, cũ có đang quây quần bên anh, những T.B. và nhất là những Đ.T., Đ.H.G. Trước khi tôi xin nghỉ việc để lo giấy tờ xuất cảnh, Vũ Hữu Định còn tạo cho chúng tôi một kỷ niệm khó quên. Lúc đó không hiểu vì lý do nào Vũ Hữu Định được vào làm việc tại Nhà Đèn Đà Nẵng. Anh còn tạo được uy tín trong đám công nhân cùng sở. Họ đã ủy thác cho anh làm đại diện đến ngân hàng để xin rút số tiền bị thu đổi còn quản lý. Danh sách công nhân quá đông. Theo quy chế ngân hàng chỉ duyệt chi cho mỗi cá nhân một số nhất dịnh. Vũ Hữu Định đã thuyết phục tôi lợi dụng sự ưu ái của người kế toán trưởng đối với cá nhân tôi, duyệt chi cho anh và tất cả bạn anh toàn bộ số tiền.
Tôi thật vui khi hoàn thành được công việc nàỵ Nhưng chưa đầy một tháng sau, tôi lo sợ biết được cả số tiền đó Vũ Hữu Định đã thua trong một cuộc cá độ bóng tròn trước sân Chi Lăng.
Tôi chờ đợi sự rắc rối đến với người kế toán trưởng và chắc chắn có ảnh hưởng đến tôi khi có người đến khiếu nại sự duyệt chi. Nhưng rồi mọi sự cũng qua.
Gặp Định, vẫn với nụ cười đi tiên phong, anh đã hạ ngay những bực mình cố hữu của tôi. Tôi cũng là một người mê bóng tròn nên thời gian cùng Định đứng tán dóc trước sân Chi Lăng không phải là ít. Một hôm đang ngồi với họa sĩ Hoàng Trọng Bân trong một quán cà phê vỉa hè ở Saigon, tôi bàng hoàng nhận được tin Vũ Hữu Định đã mất qua một người quen vừa từ Đà Nẵng vào.
Viết về Vũ Hữu Định mà không nhớ, không tìm ra đôi bài thơ của anh để gởi đến bạn đọc cùng thưởng thức thì thật là thiếu sót. Đã thế, vì kỷ niệm, tôi đã tham lam trích dẫn ít dòng thơ của tôi và cuối bài viết này tôi cũng không thể không liều lĩnh trích thêm bốn câu nữa trong thi tập Nuôi Thơm Chùm Kỷ Niệm Xanh [xuất bản năm 1994] đã dành cho Vũ Hữu Định như một nén nhang:

Gặp nhau giữa đám bụi đời

Trãi lòng mà rước nhau ngồi với thơ
Mày theo Lý Bạch, bất ngờ
Nhói lòng ta rắc rượu vào ánh trăng


Xin vĩnh biệt người bạn thơ đã để lại trong tôi rất nhiều điều để nhớ, rất nhiều điều để thương.
Một bài thơ của Vũ Hữu Định
Kỷ Niệm

con đường đất có màu xanh bữa nọ
cây bên đường màu lá lục hôm kia
con chim bỏ đi có bận quay về
cất tiếng hát chào niềm vui của gió

anh ra đứng sau hè nghe để ngó
không thấy chim mà thấy tiếng kinh chiều
vui trong lòng anh đã bước chân theo
em có nói là em không trở lại

hôm em nói em đi buồn biết mấy
anh có nghe bên đường tiếng chim kêu
con chim chi buồn chết cả buổi chiều
từ bữa đó anh nhớ đường ra ngõ

con đường đất bàn chân từ thuở nhỏ
một ngày vô bốn bận đi về
cây bên đường, cỏ bụi, hàng tre
quen đến nỗi không nhớ gì tha thiết

hôm em đi anh bắt đầu thấm mệt
thấy trường xa con đường ngại đi về
mắt anh nhìn lên đọt ngọn tre
dõi mấy bụi tìm con chim nhỏ

con chim nhỏ có nằm trong vạt cỏ
bữa hôm nay anh mới thấy cỏ vàng
con chim đời nào lại sống trong hang
anh vô cớ soi tìm trong đụn đất

tuổi mười một anh biết mình đã mất

một cái chi không nên ảnh thành hình
cho tới bây giờ hết tuổi học sinh
râu đủ bộ vẫn còn ngơ ngẩn mãi

con chim nhỏ có bao giờ trở lại
em năm nay không biết mấy con rồi
con chim lạ lùng năm nọ của tôi ơi
hoá mấy kiếp mà sao tôi vẫn vậy


Vũ Hữu Định, tình ca lỡ vận
. Văn thơ miền Nam 1954-1975 được gọi là nền văn học bất hạnh. Trong số đó, có nhà thơ Vũ Hữu Định (1942-1981), từ 1972 đã xem mình như một người lỡ vận :

Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận

Hát âm u trong đêm tối một mình


Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh tại Thừa Thiên, sống nhiều nơi ở Tây Nguyên, lập gia đình tại Đà Nẵng và định cư tại đây. Làm thơ từ thập niên 1960, đăng báo rải rác. Năm 1975, đi học tập cải tạo một thời gian ngắn vì là cán bộ Xây dựng Nông thôn, rồi làm công nhân Nhà Đèn. Đầu năm 1981, tại làng An Hải, Đà Nẵng, anh qua đời vì say rượu té từ lầu một, cái chết còn gây nghi vấn. Sinh thời, anh không có tác phẩm xuất bản. Đến 1996 bạn bè mới đóng góp để nhà xuất bản Trẻ ấn hành thi tập Còn một chút gì để nhớ gồm 45 bài, lấy tên từ một bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc và thịnh hành một thời :

Phố núi cao phố núi đầy sương,
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn


Hiện nay, sau khi tái bản thơ Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, truyện ngắn Y Uyên, nhóm Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn đã sưu tầm và in lại thơ Vũ Hữu Định để tặng biếu, không bán, trong tinh thần bảo lưu và truyền bá di sản văn học miền Nam. Chúng tôi đã có lần đề cao thiện chí này ; nay một lần nữa, xin công nhiên ca ngợi một việc làm tâm huyết.
Thơ Vũ Hữu Định lần này gồm 80 bài – chắc là còn thiếu – là một tập thơ hay, tài hoa, trong sáng, đáp ứng được sở thích đông đảo người đọc ; một tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật, lưu lại tấm lòng của nhà thơ quá cố, ghi tạc niềm thủy chung của bằng hữu, trong một hoàn cảnh lịch sử, xã hội nghiệt ngã và bạc bẽo.
Thơ Vũ Hữu Định quay chung quanh các chủ đề : quê nhà, tình bạn, tình yêu trong khát vọng một không gian rộng rãi. Trước khi đi vào các đề tài này, chúng ta nên biết qua thân thế tác giả, qua những bài thơ tâm sự, chủ yếu là „Bài thơ năm bốn mươi“, làm dịp tết Tân Dậu, 1981, trước khi qua đời, thơ “kiểm điểm“ vô hình trung thành thơ tuyệt mệnh, như bài “Di chúc“ của Nguyễn Khuyến :

Bốn mươi tuổi rồi đây

vợ năm con không no không đói

bốn mươi tuổi rồi

hai lăm năm uống đắng
(giỏi nghề rượu từ thuở mười lăm)
học hành thì lăng nhăng
thân tự lập thân từ năm bảy tuổi
không nhớ hết nghề đã trải
bán báo, đánh giày, ở đợ
đánh trống phòng trà, dạy học, làm thơ
phó giám đốc nuôi trẻ bơ vơ
còn cả chục nghề thôi không kể
ham đọc sách chẳng phải vì ham học
thần thánh trăm ông chẳng phục ông nào
ông nào cũng tốt
ông nào cũng tào lao
có lắm thánh nhân thì đời chỉ rối mù
nhiều triết học thêm tối mù đa sự …
bốn mươi năm khoảng dăm lần tù…


Trong bài „Ngựa hí đầu non“, ta còn biết thêm :

Sinh nhằm tuổi Ngọ, đêm vừa hết…
Mới hai tháng đã biết mùi bom đạn


1942, thời chiến tranh Nhật-Đồng minh. Lên bảy tuổi :

Đã theo mẹ đêm đêm qua xóm
xách đèn rao khoai sắn cầm hơi


Trong bài Cảm ơn người vợ“, 1972, ta được biết anh cưới vợ khoảng 1965 :

Bảy năm tình chồng vợ

bảy năm em hẩm hiu
lần nào em sinh nở
ta cũng phải vắng nhà
đứa đầu lòng tù tội
đứa thứ hai, đi xa


) Chúng ta không biết rõ anh tù tội vì việc gì, làm gì đến nỗi dăm lần tù. Theo chứng từ của bạn bè, Vũ Hữu Định là người cởi mở, vui chuyện, ưa rượu, ưa bạn, đàn giỏi hát hay, nhẹ trách nhiệm gia đình, vợ con đương nhiên là phải khó khăn. Và anh cũng thừa nhận điều đó :

Năm đứa con như năm hạt ngọc
Nếu không có em sao khỏi cát lầm
Còn anh thì cứ lông bông…


Tháng 3/1973, nhà thơ Tường Linh có bài “Gặp lại Vũ Hữu Định“, ghi nhận hoàn cảnh của anh :

Thì ra ngươi chửa hết gian nan
Thôi hãy cầm như lửa thử vàng


Chúng ta đã chấm phá được đôi nét chân dung Vũ Hữu Định. Chân dung ấy sẽ rõ nét hơn khi quần tụ bạn bè, trên chiếu rượu :

Nợ nần chưa thoát nổi
càng nợ, càng hăng vay
thiếu cái danh, nhưng không thiếu bạn bè
đi đâu cũng có phần rượu tặng.


Trong mọi tình cảm, có lẽ tình bạn là mang nhiều âm sắc thời đại nhất. Đã xa rồi những “cố nhân“ trong thơ Đường, thơ Tống. Xa rồi giọng u hoài, trầm mặc của Nguyễn Trãi :

Bạn bè đất Việt ai thăm hỏi
nhờ nhắn : đời ta vẫn cỏ bồng

Hay giọng băn khoăn, xa xăm của Nguyễn Khuyến thăm hỏi bác Châu Cầu, lụt lội năm nay bác ở đâu, giọng nhẹ nhàng, thơ mộng của Huy Cận thương bạn chiều hôm sầu gối tay. Cũng đã xa rồi những “Tống biệt hành“, “Vọng nhân hành“ của Thâm Tâm. Tao loạn, thì đất nước đã trăm lần tao loạn. Nhưng chiến cuộc 1960-1975 mang một sắc thái đặc biệt, và tình bạn sinh tử thời này ngân vọng một âm hao riêng, trong chất bi phẫn nặng phần phi lý :

Trên non may có tình bằng hữu

tuổi trẻ đau chung một khúc ca
ôm nhau thức với vầng trăng lạnh
vượt lá tìm sao định hướng nhà.

Có những ngày đi trong núi thẳm
tuổi trẻ nhìn nhau, nhớ xóm thương làng
thở chung một tiếng nghe sầu cháy
tâm sự chuyền nhau điếu thuốc quan san

Cám ơn điêu đứng rừng sinh tử
cạm bẫy người giăng để giết người
tuổi trẻ gần nhau trong gió lửa
giữ dùm nhau những tiếng chim cười


Bài “Chuyện người tuổi trẻ“ này, Vũ Hữu Định làm tặng nhà thơ Trần Dzạ Lữ, cùng một bài khác, mang rõ nét thời sự :

Ngày Huế giải phóng

mày lang thang trong Nam

xa nhau càng nghĩ càng thương
thằng bạn thơ cuộc đời bầm dập
trốn lính, đi lính, rồi thì học tập
thương ơi câu nói „ở răng cho vừa đời“

nghe nói mày về quê đi bán bánh mì

vợ giặt mướn cho nhà thương đẻ
rồi nghe nói mày đi Nam trở lại
quê không dụng nổi đôi vợ chồng thơ
năm năm rồi mày sống xa quê
ôi cái làng quê Nam Phổ Hạ
thời chiến tranh mày quay quắt mong về

Nói đến thời đại là nói đến quê hương. Vũ Hữu Định tha thiết với quê hương, dù anh sinh một nơi, sống một nơi và giữa hai nơi là những bước chân lang bạt kỳ hồ. Anh khẳng định : Mùa lúa năm nay đòng đòng đã trổ
anh yêu mùa yêu đất yêu quê

Nhưng quê anh nơi nào ?

Những con lạch anh chèo ghe thăm lúa
thả lưới giăng câu, mười mấy năm ròng

Cau với bưởi bây giờ thơm hương trái
em bên vườn da thịt có thơm không ?


Vũ Hữu Định là “kẻ chợ“, dân thành phố ; ở đây anh thác lời “kẻ quê“, một nông dân mười mấy năm cày sâu cuốc bẫm, nhà mới thay tranh mong đón em về… Lời không thật nhưng tình thì thật.
Tình quê nơi Vũ Hữu Định, quyện với tình bạn và tình yêu là một khát vọng hạnh phúc trong nguồn cội. Quê hương của Vũ Hữu Định không chính xác như trong những “bức tranh quê“ mà ta đã gặp, những đồng chiêm trũng miền Vụ Bản, Nam Định của Nguyễn Bính, hoặc thôn làng sơn cước Hà Tĩnh trong thơ Huy Cận, hay làng Trung Phước dưới chân núi Quảng Nam trong thơ Bùi Giáng, Tạ Ký, Tường Linh. Nơi Vũ Hữu Định, quê hương làm tâm cảnh tượng trưng cho một giấc mơ. Giấc mơ Trở Về của đứa con biết mình lạc hướng, vì cơn lốc của lịch sử đã đành, nhưng cũng có phần cố tình lạc hướng. Phải hiểu như thế mới giải quyết được nhiều mâu thuẫn trong thơ anh.
Và hiểu rằng nỗi nhớ nhà thường xuyên ám ảnh anh, không giống với nỗi nhớ bất ngờ, bất chợt trong thơ Nguyễn Bắc Sơn đồng lứa :

Qua cầu Sông Lũy nhìn quanh quất
Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà


Tình quê, đề tài cho nhiều bài thơ, có thể là nền thơ Vũ Hữu Định :

Mây còn bay nên đời còn mộng
tuổi trẻ ra đi sao lại nhớ nhà
ơi người tuổi trẻ sầu trong mắt
đêm trên rừng mộng gởi quê xa.

quê xa ta có em và mẹ,
nhớ ao bèo xanh bông tím thiết tha
nhớ người con gái bên hàng xóm
chiều thả thuyền vớt mộng nở hoa…


Cảnh mơ hồ nhưng tình tha thiết. Quê xa đây là mộng tưởng. Vũ Hữu Định không được hạnh phúc có một làng chính xác để ca ngợi như Huy Cận, Bùi Giáng. Nhưng anh chẳng quan tâm đến điều đó :

Nghĩ ra thì ở đâu cũng vậy
ta vẫn là ta khinh bạc đắng cay.
có lẽ ta là thằng bất sá
cớ sao ở đâu rồi cũng bằng lòng
thả trôi cái sống cho đời dạt
mẹ buồn ta tóc trắng lưng cong

Quê hương, nơi Vũ Hữu Định là niềm u hoài khôn nguôi, hướng về cõi hạnh phúc đã mất hay chưa đến, trong nghĩa “quê hương và lưu đày“ trong Kinh Thánh, hay Albert Camus.

U hoài bốc men cho những vần bay bướm :

Hoa dại ven đường gửi lại các em
Tiếng giã gạo gửi cho người mất ngủ
Trăng mười bốn gởi tâm hồn thiếu nữ
Trăng mười lăm gởi những kẻ yêu nhau


Tình sôi nổi, thiết tha nhất trong đời người có lẽ là tình yêu. Thơ tình yêu là lối thơ dễ làm và khó hay nhất. Một là vì đề tài lâu đời trở thành khuôn sáo, hai là người làm thơ tình khi thành thật thì chủ quan, đắc ý, tự nghĩ thơ mình là hay, hóa ra dễ dãi, trong khi người đọc bên ngoài, cho rằng lẩm cẩm. Thơ tình ngày nay, muốn thành công, phải giàu lượng trí tuệ và chất nghệ thuật ; nhưng thơ hoa mỹ lại mất nét thành thực đơn sơ. Mà tình yêu chính là cảm xúc đơn sơ.
Thơ tình Vũ Hữu Định gây cảm xúc vì chỗ tha thiết mà tự nhiên ấy :

Anh đang sống thiếu một phần thân thể
sống thiếu em nên anh thở không đều
thèm ngực trần, môi ngọt với tay yêu
đã trói chặt hồn trăm năm lãng tử

đã quen đau nên thấy được mặn mà
của tội lỗi mà anh kêu hạnh phúc
ôi vết chém đã qua thời đau nhức
đâm da non để thành sẹo muôn đời
anh thở đều để sống em ơi


Hơi thở rạo rực đã phả vào bài “Tiếng dội của sương chiều“, 5 chữ nhẹ nhàng nhưng da diết, trong sáng mà hàm súc - một bài lý tưởng để phổ nhạc (câu này viết nhắn gửi Phạm Duy) :

Anh nằm đâu, ngồi đây
ngó nước nguồn reo vỡ
nước nguồn chảy bao năm
đá núi mòn dấu nhớ
anh nằm đây, ngồi đây
một mình anh vẫn thở
mười năm trong trắc trở
anh thở khác ngày xưa
nghe dội tiếng rừng mưa
nghe vang lời suối nhớ

anh nằm nghe lay động
đau của những nhánh cành
anh ngồi trong lá xanh
trên những hồn lá chết
tay anh nắm tha thiết
những chiếc lá còn tươi
thả xuống suối mà chơi
trôi đi còn tiếng dội…


Nguồn thơ róc rách tuôn tuôn tự nhiên, u uẩn trong veo, thắm tươi đau đáu, trầm lặng ngân vang. Một bài thơ tình hiện đại, rõ nét nếu ta so sánh với „Tình quê“ đồng dạng của Hàn Mạc Tử, nửa thế kỷ trước. Đâu đó, trong Thân phận làm Người, André Malraux đã định nghĩa tình yêu là „cái phần mình thay đổi ở người kia“, nghe sâu sắc, nhưng trừu tượng. Vũ Hữu Định nói anh thở khác ngày xưa có cường điệu nhưng cụ thể, và xúc động. Thể ngũ ngôn ngắn hơi, ít để lại tác phẩm hay. Bài „Tiếng dội của sương chiều“ là một tác phẩm toàn bích.
Cùng một hơi thở - hơi thơ ấy còn có bài „Rừng hương mật“ đắm đuối. Cảm hứng tuôn tràn một mạch,ào ạt, sung mãn mà âm trầm, tao nhã. Thao thao tình cảm, thao thiết ưu tư :

Anh đang sống - đang thở đều rất lạ
Thở yêu em yêu đau đớn của đời
Anh cảm được phút của mùa đang đổi
Giây của sông dừng lại đợi chiều trôi
Ở đâu đó rừng của Thu ảm đạm
Uống chút hương hoa của suối mà say
Mây của nghìn năm mây vẫn là mây
Nhưng một buổi lạ như vừa mới có

Một ngày nào mặt trời kia rét lạnh
Máu đỏ trùng dương một lần chết cuối cùng
Giấc lạnh vang lời gió nhắn với rừng
Anh hối hả trở về mau cho kịp


Nhịp thơ dập dồn, hình ảnh điệp điệp, ý tứ trùng trùng, tuôn tuôn từ một hồn ứ chứa bao nhiêu tình rừng thẳm. Do đó mà thơ tình Vũ Hữu Định ngày nay còn gây hào hứng.
Thơ tình, chứ không huê tình kiểu „áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc“. Thơ tình xưa nay thường khệ nệ đèo thêm phần thuyết lý, dạy đời : thơ Pháp từ Ronsard đến Aragon, thơ Việt từ Nguyễn Trãi „đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng“ đến Xuân Diệu „vội vàng lên với chứ“. Thơ Vũ Hữu Định mang sắc phơi phới, hồn nhiên, đớn đau mà vẫn tin đời - có lẽ do niềm tin ở trời đất, mà anh diễn đạt rất mãnh liệt trong bài tứ tuyệt :

Sướng quá, nâng ly, khà một tiếng
Mừng rằng sắc núi vẫn màu xanh
Đám mây bay thấp ngang nhà cỏ
Hương rượu nồng hơn mọi thứ tình


Tâm giới hào sảng trước sắc giới ưu ái như trong đoạn thơ trên, được định hình trong một thi giới bao la, biển rộng trời cao. Thơ Vũ Hữu Định ít có giới hạn chật hẹp, nếu Pleiku phố xá không xa thì cũng được nấn rộng bằng sương mù, cây xanh, núi cao - và nhất là có em !
Nơi Vũ Hữu Định tình yêu, tình bạn, tình quê, quyện vào niềm nhớ đất thương trời mênh mang mênh mang mênh mang.
Hình ảnh tạo tính nhất quán cho tập thơ, xuyên suốt, tiếp dẫn các bài thơ, tự rừng núi đến thôn quê, ao bèo, thửa ruộng, lũy tre, mái nhà, là con chim.
Một mặt chim là tri âm, chia sẻ tâm sự và ước mơ :

Có lẽ con chim rừng bữa nọ
Hát với anh là chia sẻ ngọn nguồn


Chim là một ẩn dụ đa hiệu. Hình ảnh thị giác, nó là không gian gần mà xa, cảm nhận thính giác, tiếng chim là thời gian dội vào tim, có khi hẹn hò hoan lạc thủy chung :

Con chim bỏ đi có bận quay về
Cất tiếng hát chào niềm vui của gió


Có khi nhắc thân phận hiện thực chơ vơ :

Con chim lạ lùng năm nọ của tôi ơi
Hóa mấy kiếp mà sao tôi vẫn vậy


Thơ Vũ Hữu Định là điển hình cho thơ trữ tình hiện đại. Nó không gai góc, thách thức ; ngược lại, nó kết thân, đằm thắm, quen thuộc. Lay động người đọc bằng tình cảm trong sáng và thiết tha, bằng nét tài hoa vô tội.
Đây là đoạn cuối trong bài thơ “Kiểm điểm“, Vũ Hữu Định làm 1981, trước khi vĩnh biệt trần gian :

Ta đang nhớ thuở sông dài núi rộng
đường thênh thang của một gã giang hồ
ta đang thèm đi để học làm thơ
chờ ta đến xin nhớ phần rượu tặng


Câu thơ tuyệt mệnh thu gọn không gian, cuộc đời, tâm tình, hoài bão văn chương và những khát vọng chưa nguôi của Vũ Hữu Định.
Trên chiếu rượu vui ít buồn nhiều hôm nay, bạn bè, trong và ngoài nước, luôn luôn giữ phần rượu tặng, cho Định.


MỘT BÀI KHÁC Dù sinh thời, anh chưa có một tác phẩm nào xuất bản, nhưng không vì thế mà thơ anh lại không được nhiều người ưa thích. Riêng bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” đã đi vào tâm trí chúng tôi không ít thì nhiều, thời ấy.
Nói đến Vũ Hữu Định là nói đến một người bạn giang hồ, và những cốc rượu bốc cháy. Có người trách anh bỏ bê gia đình, vợ con để theo tiếng gọi của những phần rượu tặng. Có lẽ những bài thơ về rượu này khá phổ biến, nhưng họ làm sao hiểu được nỗi lòng của Ðịnh và lý do tại sao anh lại phải xa người mẹ bệnh tật, xa vợ con, xa quê. Từ ba năm làm lính biên trấn mà Ðồn cheo leo đón gió/Bốn mùa phên mây che/ Ðất trời đây một cõi/Nhốt đời chưa cho về đến những tháng năm luân lạc, chấp nhận làm một người con bất hiếu, một người chồng một người cha không chu toàn trách nhiệm, để được sống, để được tiếp tục làm thơ, tiếp tục dâng hiến cho đời, cho người đọc những bài thơ đẹp, hay, để đôi lứa càng thương yêu nhau, để Pleiku càng đi vào trong tim của chúng ta, bằng tóc em mướt và mắt em ướt, để bọn trẻ chúng tôi thời ấy, cả tháng không thấy đàn bà, không thấy cả một tờ tạp chí, được an ủi rằng may mà có em đời còn dễ thương… trong khi đêm ngày tai như muốn bục màng nhĩ vì trái pháo và tiếng trực thăng cùng những núi đồi vây hãm khó có thể thoát được ra ngoài.
Hãy hiểu nỗi lòng của Ðịnh. Hãy thương lấy Ðịnh qua những dòng tâm sự đành đoạn não nùng khi anh viết về người vợ của anh:

Lần nào em sinh nở
ta cũng phải vắng nhà
tháng này em sinh nở
ta lại trên đường xa
…cám ơn người vợ khổ
chiều nay ta khóc thầm
uống những giọt rượu đắng
ngày xa quê long đong


Trách anh hay trách hoàn cảnh, thời thế ?
May mà có em đời còn dễ thương…
Vâng. Nếu cảm ơn thành phố ấy có em, thì cũng cần phải cảm ơn Vũ Hữu Định của chúng ta nữa.
Thơ Vũ Hữu Định

Rừng Hương Mật
Tặng Diệp Mậu

Anh đang sống, đang cảm nhiều chuyện lạ
Những chuyện trăm năm mà tưởng như vừa
Một ngọn gió của đời đã thổi
Bay hồn anh trong bóng nắng hồn mưa
Một chút gió trên rừng hay dưới biển
Tới từ đâu sao lại báo tin mưa
Hôm qua ngó vầng trăng cuối tháng
Mọc giữa chiều xanh của buổi giao mùa
Anh cảm động nhớ một thời si dại
Yêu là yêu em bằng tấm lòng xưa

Anh đang sống – đang thở đều rất lạ
Thở yêu em yêu đau đớn của đời
Anh cảm được phút của mùa đang đổi
Giây của sông dừng lại đợi chiều trôi
Ở đâu đó rừng của Thu ảm đạm
Uống chút hương hoa của suối mà say
Mây của nghìn năm mây vẫn là mây
Nhưng một buổi lạ như vừa mới có
Gió là gió mà sao anh ớn lạnh
Men ở đâu mà anh đã ngất ngây

Ngày anh về, hôm anh cất chân đi
Nghe được tiếng của con đường anh bước
Em có xa như một đời kiếp trước
Anh thấy gần nên cảm được trầm hương
Anh ở trên rừng cũng sống trọn nguồn thương
Ra giữa biển tình cũng như biển mặn
Một ngày nằm nghe đất trời cay đắng
Sấm vang lên, mưa giận dữ trên rừng
Nước của nguồn đi mạnh bạo cuồng hung
Tiếng bi thiết trong mạch nguồn nức nở


Anh đang sống – anh đang nghe anh thở
Cảm được tinh của cả đất trời
Lúc bắt đầu anh chỉ có em thôi
Nay có hết núi mây rừng với biển
Những đồng nội mấp mô màu trác tuyệt
Một hôm nao cảnh cũ lạ vô cùng
Của đất trời là Xuân Hạ Thu Đông
Anh có cả em nên giàu cảm lụy

Anh đang sống và anh đang thấy
Nước trên sông khi chảy khi dừng
Lúa trên đồng kể chuyện với sao sương
Những đá tảng nghìn năm nay nói chuyện
Những con đường anh đi và anh đến
Bờ Trùng Dương bến hẹn với Bình Nguyên
Những nẻo rừng trạm gió sơn xuyên
Thân ái với màu rêu trên vách cổ
Những củi mục của rừng thân rất nhỏ
Kể với anh về thay đổi của đời
Một chiều vàng bên suối mộng rong chơi
Anh soi thấy anh hình dung đã lạ
Mắt rực rỡ ngó chiều bay tơi tả
Vượn hú sương chim kêu bạn não nùng
Suối cạn mòn, nước đã ra sông
Ở nơi đó anh lạc hình mất ảnh
Một ngày nào mặt trời kia rét lạnh
Máu đỏ trùng dương một lần chết cuối cùng
Giấc lạnh vang lời gió nhắn với rừng
Anh hối hả trở về mau cho kịp


Anh đang sống một ngày tha thiết
Nghe âm vang đồng nội rừng già
Mỗi bước đi về nghe thật thiết tha
Hồn ứ chứa bao nhiêu tình rừng thẩm
Mỗi bước chân anh đất trời lằng lặng
Mắt sáng như sao tiếng nói như đồng
Anh bước về để thấy một hừng đông
Có mặt Nguyệt thay mặt Trời hiển hiện
17-10-73

Một bài viết khác của Trương Điện Thắng
Tâm sự về cố nhà thơ Vũ Hữu Định

Gần đây có nhiều bài viết ở nước ngoài khi nói về cố nhà thơ Vũ Hữu Định đã có những chi tiết sai lệch về thời gian và nguyên nhân cái chết của anh. Có tác giả còn cố tình “huyền bí hóa” sự ra đi đáng tiếc này. Nhân ngày giỗ thứ 30 của Vũ Hữu Định (1981-2010), xin nói lại cho rõ.
Thời Còn chút gì để nhớ...
Tôi quen biết Vũ Hữu Định năm 1970 qua hai người bạn là họa sĩ Hoàng Ân và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh (sau năm 1975 đổi thành Phạm Ngọc Cảnh Nam). Vũ Hữu Định lớn hơn tôi 10 tuổi, nhưng khi đã quen thân thì chúng tôi gọi nhau mày tao hồi nào chẳng biết.
Khi đó tôi đang học lớp đệ nhị, còn Định đang là lính “xây dựng nông thôn” làm việc trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn, Đà Nẵng) và còn ký tên Hàn Giang Tử trên những bài thơ. Trước đó, nghe nói anh trốn lính và giang hồ tận các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm...
Khi tôi vào học ở Sài Gòn thì Định về ăn ở chung tại nhiều chỗ trọ khác nhau của chúng tôi. Khi thì ở đường Cô Giang, lúc khác đổi lên Trương Minh Giảng rồi Lê Văn Duyệt. Lâu lâu anh lại đi biệt tăm mấy ngày. Khi về cầm theo tờ tuần báo Khởi Hành của nhà văn Viên Linh có đăng bài thơ Còn chút gì để nhớ. Đó là một trong những bài thơ đầu tiên anh ký Vũ Hữu Định và sau này trở nên nổi tiếng khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.
Lần khác anh về lại khoe từ tiền của Phạm Duy trả tác quyền, anh đã nhờ Phạm Chu Sa làm được giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh (sau mới biết là giấy giả!). Có giấy tờ, anh xin được việc ở nhật báo Quật Cường, viết tin cho trang văn nghệ. Nhưng ngoài một bài ngắn viết nhân ngày giỗ nhà văn Đỗ Tốn ra, tôi không thấy anh viết gì.
Một thời gian ngắn sau đó, có lẽ chỉ trước hôm ký Hiệp định Paris (27.1.1973) mấy ngày, Vũ Hữu Định và Phạm Chu Sa phải bỏ trốn vì như anh nói, cái giấy hoãn dịch gia cảnh kia là giấy giả bị an ninh phát hiện. Lúc này, chúng tôi vừa dọn về căn phòng thuê trên đường Lê Văn Duyệt do Định giới thiệu vì Võ Chân Cửu vừa dọn đi, mà anh lại quen với chủ nhà... Tết năm 1973, do bị lùng bắt, anh trốn về Đà Nẵng bằng đường bộ và bị quân giải phóng giữ lại mấy ngày để tuyên truyền cách mạng ở khu vực đèo Bình Đê, thuộc huyện Tam Quan, Bình Định...
“Ra đi” trong tâm thức “trở về
Chính giai đoạn gần hai năm ở Sài Gòn này, Vũ Hữu Định viết rất lên tay. Tuần nào anh cũng có bài, có khi là cả một chùm thơ, đăng trên các tạp chí Văn, Bách Khoa, Chính Văn, Thời Tập... Nhiều câu thơ hay của anh bây giờ tôi vẫn nhớ, như: “Giang hồ đâu có ai phong ấn/mà nghĩ từ quan trở lại quê” hoặc: “Cứ tưởng nằm kề bên họ Lý/gác chân nhau nói chuyện biển dâu/ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu/gối chai không mà thương nhớ nhau”.
Tuy tuổi tác cách biệt, nhưng Định chơi rất hòa đồng với anh em. Tối nào anh cũng bày trò cười đùa, nghịch ngợm rất khuya. Tôi viết được cái gì cũng đưa anh đọc và càng hưng phấn vì Định luôn khen ngợi, động viên. Hình như anh chưa bao giờ nói xấu ai, kể cả lúc bù khú rượu chè những năm sau này. Định luôn nhìn thấy cái đẹp ở mọi nơi và chỉ cho người khác cùng nhìn...
Những năm sau giải phóng tôi về lại Đà Nẵng và nhóm chúng tôi gồm Định, Đoàn Huy Giao, Phạm Phú Hải, Hồ Đắc Ngọc, Hoàng Đặng và sau này là Thái Bá Lợi... hầu như ngày nào cũng gặp nhau đến... ba buổi. Sáng cà phê, trưa ăn cơm chợ Hàn, tối uống rượu. Lúc có tiền hay lúc không đồng dính túi, Định vẫn sống thản nhiên. Thôi nôi con trai tôi, Vũ Hữu Định cũng tự tay đi mua gà về luộc và xé bóp cho... bữa nhậu sau đó. Bữa nhậu đó còn có Đoàn Huy Giao và Đông Trình, và thầy giáo Xuân cận. Cuộc gặp đó không vui và dừng lại nửa chừng vì thầy giáo Xuân gây sự. Tôi chở Định về nhà. Không ngờ đó là lần sau cùng chúng tôi gặp nhau. Bởi hai mươi ngày sau, Định đã ra đi mãi mãi ở tuổi 40.
Gần 30 năm sau ngày Định mất, vợ tôi tìm thấy trong mớ hỗn độn bản thảo ở nhà tôi có một bài thơ của anh viết bằng bút bi màu đỏ. Bài thơ không đề, không ghi ngày tháng, chỉ có 6 câu, hình như anh viết sau một giấc ngủ trưa ở nhà tôi hồi đó. Chung quanh có nhiều chữ ký và hoa lá. Lời thơ đầy tâm sự của một người đang hoang mang trước cuộc sống, vì lúc đó anh vừa trải qua những ngày buồn trong quan hệ tình cảm và bạn bè:

Bờ chiều sắc cỏ sông xanh
Mây bay anh đứng lại nhìn mây bay
Nỗi niềm vui với đắng cay
Theo sông nước chảy theo ngày phù du
Lang thang về cõi ao tù
Lạ quen ai đó nghìn thu nhớ gì!


Ba mươi năm kể từ ngày Định nằm xuống. Thời gian trôi im như nước chảy. Vũ Hữu Định đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng gian nan và đầy khao khát. Ở anh, dù có cuộc sống rất giang hồ nhưng lại một mực yêu thương vợ con. Tôi từng chứng kiến những bữa cơm đạm bạc do tự tay anh sửa soạn cho các con anh, luôn ân cần và chu đáo cho dù trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Thường, sau những cuộc uống say nhừ tử, Định lại có thói quen phải về nhà với vợ con. Lần cuối cùng, Định đã “ra đi” trong tâm thức “trở về” đó, khi bước hẫng từ một sàn bê tông không lan can, cao bốn mét và rơi xuống đất.


Ghi chú:
Nhà thơ VŨ HỮU ĐỊNH cũng là bà con bên NHẠC MẪU của TS TRẦN HỒ DŨNG đó các bạn ạ!
Lạy trời “ May mà có ANH đời còn DỄ THƯƠNG

XEM CHI TIẾT
1- Nhà thơ LÊ SƠN THẠCH

2- Nhà thơ A KHUÊ
3- Nhạc sĩ TRẦN QUANG LỘC
4- Nhà thơ VŨ HỮU ĐỊNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.........