-->

Trang Webblog của Skyskysky




Ngăn dòng
Thân mời quý bạn chọn các bản nhạc dưới để xem vv
Ngăn dòng
Phôi Pha_Khánh Ly Diễm xưa_Khánh Ly Tiếng hát Dạ Lan_Khánh Ly Về đây nghe em_KL_NNN Chiều Một Mình Qua Phố Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui_Khánh Ly Khanh Ly_Ru Ta Ngam Ngui Ca Dao Mẹ - Khánh Ly Một Cõi Đi Về - Khánh Ly Video: THẦY TRẦN PHÁT LẠC Thời trang và ẩm thực_TTC Ghé thăm thầy Trần Phát Lạc Thầy tôi và bạn bè Khóa 66 - 71 Phỏng vấn Thầy TRẦN PHÁT LẠC Skyskysky Mỹ Lệ_Phố biển tình anh
Ngăn dòng

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

NÔNG TRƯỜNG SÔNG HẬU : Hạnh phúc hay là nỗi đau?



Ông Trần Ngọc Hoằng và Cán bộ NTSH

Hạnh phúc hay là nỗi đau?! 

Đi đến tận cùng cũng chỉ là nước mắt! 

Không hiểu vì sao và không biết là khi nào tôi yêu mến con người miền tây đến như vậy, hay là vì tính tình thật thà như “một cộng một bằng hai”? Bởi vì người ta hiền lành như “cục đất trộn phèn” để “khai hoa nở nhụy” nhữnghoàng tử và công chúa trỉu nặng tình người: 16 chàng trai cô gái đi theo Giám đốc Trần Ngọc Hoằng bơi xuồng vào vùng đất hoang hóa sình lầy để 30 năm sau lo được cuộc sống ấm no cho gần 16 ngàn người dân? Dường như ông trời cũng bất công: Người hay lo thường vất vả

Người xưa có câu: “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay” vận vào trường hợp này ngẫm thấy đúng. Nếu nói như anh Lại Văn Sâm ngày xưa thì: đúng, đúng và rất đúng (GC: cám ơn, cám ơn, xin cám ơn).


Không hiểu vì sao và không biết là khi nào tôi kính trọng và yêu mến những cô công chúa miền tây đến như vậy, hay là vì vùng đất nầy đã sản sinh ra 3 “chị ba” anh hùng của miền Nam:

Một là: tướng Nguyễn Thị Định (Ba Định), Anh hùng Quân đội.

Hai là: chị Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), giám đốc công ty kinh doanh lương thực, Anh hùng Lao động (1983, 1984), được Tuần báo Asia Week bình chọn là nhà kinh doanh thành đạt nhất châu Á năm 1991.

Ba là: Chị Trần Ngọc Sương (Ba Sương), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được bình chọn danh hiệu “Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á-Thái Bình Dương” năm 2002 cùng với 15 phụ nữ xuất sắc nhất từ 11 nước vào vòng chung kết tổ chức tại Singapore?!


Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm NTSH

Không hiểu vì sao và không biết là khi nào tôi nhớ lại vài câu không biết là thơ hay thẩn:

“Không hiểu vì sao tôi nghèo mà tôi học giỏi
Không hiểu vì sao học giỏi mà tôi vẫn nghèo?” 

Rồi tôi gặp:(những kẻ " vổ ngực xưng tên)

“Không hiểu vì sao tao giàu mà tao học dở
Không hiểu vì sao học dở mà tao vẫn giàu?!” 

Và tôi suy ngẩm: Chị 3 Sương là người không chồng, không con, không nhà cửa, cũng không có tài sản gì…nói chung là…nghèo bởi vì chị làm giám đốc NTSH. Nhưng suy cho cùng chị là người rất giàu vì chị đã có 16.000 dân, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Sự giàu có nầy có sức thuyết phục,quyến rũ, đong đầy tình người.


Chị 3 Sương
Nhà báo Lê Quý Hiền từng viết trên VietNamNet: 

"Lại nhớ cố tác giả Lưu Quang Vũ trong một vở kịch ông cho rằng cõi âm có không thì không ai biết nhưng cõi nhớ thì có thật. Có người sống mà như chết vì chẳng ai muốn nhắc đến. Có người mất rồi những vẫn sống mãi trong cõi nhớ của bè bạn và những người xung quanh. Vậy thì “bác Năm cô Ba” ở đây có phải là những người hạnh phúc nhất không khi họ vẫn đang làm việc vẫn đang cống hiến nhưng đã có một cõi nhớ trong lòng mọi người..."


Ông Trần Ngọc Hoằng

Không hiểu vì sao và không biết là khi nào tôi nhớ lại những bà mẹ Việt Nam Anh Hùng trãi đầy tính nhân văn qua thơ và nhạc:

Tôi đã thấy bà mẹ năm xưa chào đón quân đi
Mẹ mang mo cơm nuôi từng chiến sĩ
Trong thời bình vẫn còn các chị
Cả cuộc đời bình dị trắng trong
Nếu còn lương tri, anh có đau không? 
Nếu còn lương tâm, anh có đau không?! 

Anh có đau không??? Anh có đau không??? 

Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết: 

“Suốt một đời bạc tóc dưới mưa bom, 
Mẹ lầm lũi đào hầm nuôi cách mạng. 
Đào cho thủng đêm đen, cho đến ngày hực sáng, 
Mẹ chống gậy đi chọn mặt gởi vàng. 
Mẹ đâu còn vàng! Còn một chút lòng tin, 
Chọn mặt nào mà gửi? 
Này có phải mặt này từ hầm mẹ trồi lên? 
Mẹ nhìn mãi nét mờ nét tỏ. 
Mẹ nhìn suốt những mặt con đầy tớ, 
Mặt đứa nào cũng béo tốt phương phi, 
Cầm cuốc một đời, cầm bút bỗng vân vi. 
Chọn mặt nào mà gửi? 
Chọn mặt nào cho máu mình đỡ tủi? 

Tôi hiểu hơn khi đọc những dòng nầy: 

“Lá đơn "xin ở tù thay" đứng tên 110 người dân ở Nông trường Sông Hậu vừa được gửi tới các cơ quan thực thi pháp luật quản lý nhà nước ở TP. Cần Thơ và các cơ quan báo chí đề ngày 14/11/2009 viết mộc mạc: "Chúng tôi là những người nông trường viên sống trong Nông trường Sông Hậu có mặt từ những năm mới thành lập cho đến nay ít nhất cũng từ 15 năm đến gần 30 năm (...)


Khóc khi nghe tòa tuyên y án
Chúng tôi nhớ ngày nào mới vào nông trường chỉ có đôi bàn tay trắng. Nay nhờ công ơn bác Năm cô Ba và tập thể cán bộ nhân viên nông trường mà chúng tôi có của ăn của để: nhà có máy cày máy xới máy bơm nước ti vi tủ lạnh xe gắn máy đồ đạc vật dụng có đủ. Cả việc đa phần đều có gắn điện thoại. Có nhà mua cả máy vi tính cho con học. Về việc học hành thì con cháu chúng tôi được nông trường lo chu đáo từ mẫu giáo lên đến đại học. Với những công ơn này chúng tôithường nói "cha mẹ anh em ruột lo còn chưa được như vậy".

( Trường Minh - Huy Bình) 

Tôi hiểu ra khi đọc những dòng sau: 


Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh:

"Chính tôi là người đã từng đi đến Nông trường Sông Hậu để xác minh có xứng đáng tuyên dương danh hiệu Anh hùng hay không thì đã thấy rõ là hoàn toàn xứng đáng. Nông trường Sông Hậu đã cải thiện được cuộc sống cho hàng ngàn người nông dân khi làm ăn càng ngày càng hiệu quả, phát triển. Đó là Nông trường Anh hùng, cá nhân cô ấy (Trần Ngọc Sương) cũng là Anh hùng, không phải ngẫu nhiên được như thế. Đây không phải là "Quỹ đen" mà phải gọi đúng tên là "Quỹ đời sống", trong thời gian đó người ta cũng gọi đây là "Quỹ đời sống". Cô ấy duy trì quỹ đó không phải để cho riêng mình tiêu xài, cũng không hề có gì dấu giếm để phục vụ cho những lợi ích cá nhân".

Bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ:

"Tôi biết cô ấy không lập gia đình, cả cuộc đời dành mọi tâm huyết lo lắng cho Nông trường, cho cuộc sống biết bao người nông dân, nguyên cái đó thôi cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về động cơ việc làm của cô ấy. Bây giờ nếu so sánh với một số vụ án tham nhũng đã được xét xử gần đây thì bản án này quả là không công bằng, quá bất công cho cô ấy", nguyên Phó Chủ tịch nước nói thêm. 

Tôi nhớ: 

“Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác” 

Tôi hiểu ra khi biết được rằng: 


“Một đơn vị như NTSH 2 lần Anh hùng, ông Trần Ngọc Hoằng là Anh hùng. Con gái ông Hoằng là bà Sương cũng là Anh hùng. Cha con đều là Anh hùng, đơn vị được nhiều lần tôn vinh. Nếu không xem xét, thì chính chúng ta hôm nay sẽ nã đại bác vào quá khứ. Mà đây không phải là một quá khứ bình thường. Đây là một quá khứ đã được Tôn vinh".

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng) 

Vậy thì ngày mai…có thể “thứ sáu ngày mười ba”, vậy thì ngày mai…có thể là “mùng năm, mười bốn, hai ba” là cái gì ? tương lai sẽ như thế nào khi ta nã đại bác vào quá khứ mà quá khứ đã được tôn vinh??

Tôi hiểu ra khi biết thêm: 


Nhà báo lão thành Châu Ngọc Tiếp (thường gọi là Bảy Triển), nguyên Phó giám đốc Đài Truyền hình Cần Thơ tâm sự:

“Cho đến hôm nay, cuộc đời mình vẫn còn một câu hỏi mà chính mình và các “đồng đội” vẫn không sao lý giải cho tường tận rằng: “Vì sao cái vô lý cứ tồn tại mãi?””…

Rồi ông gay gắt:

“Hôm nay, trên hạ tầng canh tác nông nghiệp hoàn chỉnh, chủ động và khép kín gần 7.000ha đất với gần 3.200 hộ nông trường viên, 15.000 nhân khẩu… có cuộc đời mới. So ra cả nước, có thể nói chưa có nơi nào mà người nông dân được an cư, lạc nghiệp, no ấm, sung túc, con cái được học hành đầy đủ như ở Sohafarm. Chính các nông trường viên là những tiếng nói cần và đáng nghe sao không hỏi mà lại vì dăm chục đứa làm ăn biếng nhác, quậy quạng để rồi đối xử với Sohafarm “như quân thù” vậy. Vô lý quá!”… 

“Người ta định “bức tử” Ba Sương hay sao? Một cán bộ nữ độc thân, không chồng con, không tài sản riêng, hết mình vì lý tưởng Cộng sản, tiếp nối truyền thống của người cha AHLĐ giờ bị đối xử như thế sao ? Vô lý không hiểu nổi ???” , nhà báo Bảy Triển băn khoăn.

Không hiểu vì sao và không biết là khi nào tự nhiên tôi làm phép so sánh:

Những người đưa ra phán quyết 8 năm tù với chị 3 Sương có được là học tròcủa anh Nguyễn Đăng Trừng hay không? Một luật sư mà gốc là dân Quảng nam là cãi dữ lắm. Nói như nhà văn , nhà báo..Vũ Đức Sao Biển :

“…người Quảng Nam là người cứng rắn, chịu chơi. Họ cứng rắn đến độ ngoan cố và chịu chơi đến mức có thể chung hết cuộc đời mình… Đối kháng với kẻ thù cũng là một cách cãi. Bởi người Quảng Nam luôn tự tin ở chính mình. Họ tin họ phải thắng, dù là... “thiệt chiến”. 

“Cãi thể hiện một thái độ sống. Khi người ta lên tiếng cãi là người ta không hờ hững với đời” 

“Đáng chú ý là vào năm 1922, cụ Phan Châu Trinh đã khẳng khái “cãi” đến... thiên tử, khi nhà vua không làm tròn trách nhiệm. Đó là sự kiện khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo ở Marseille, cụ đã viết Thư thất điều kể bảy tội của vị vua này, trong đó có hai tội không thể dung tha: làm nhục quốc thể và vung phí của dân. Có thể xem Thư thất điều là bản “tuyên ngôn” của một công dân nước ta “cãi” với người cầm quyền cao nhất!” 

Chưa xứng đáng là học trò, học hành thì tàm tạm, lý luận thì không rõ ràng, tư duy thì như tấm áo rách, phản biện thì hổng giống ai, tên tuổi thì “tình cờ mới biết”…mà bác bỏ lý luận sắc bén của LS Trừng, một cây đa cây đề trong ngành luật Việt Nam?

Tôi còn nhớ chớ tôi chưa quên: 

Có những người có bằng cấp thật hẵn hoi, tài năng đến mức học một năm đến 3 lớp. Chỉ còn một điều là họ có học thật hay không? Chứ trình độ như vậy tôi biết chắc họ có bằng “HỌC GIẢ”, các bạn đọc tiếp vài dòng ghi lại sau đây:


CÁC BÁO ĐÀI KHÁC


Ngay cả một số người cầm bút có lương tri và bản lãnh, cũng đồng loạt lên tiếng ủng hộ chị Trần Ngọc Sương:

Đan Tâm viết trên tờ Lao Động, 27/11/09:

“…Khi “vụ án Trần Ngọc Sương” nổ ra, tôi thực tình vừa lo cho cha con người anh hùng lao động có công đầu rất lớn, vừa lo cho một mô hình đưa nông thôn lên sản xuất lớn bị vùi dập và xoá bỏ, nên mặc dầu ở xa, nhưng tôi rất chăm chú theo dõi “vụ án” này. Nhưng rồi cái lo lắng đó của tôi đã được giải toả bước đầu, khi “vụ án Trần Ngọc Sương” đã và đang được xem xét lại. Tôi tin rằng, công lý trước sau sẽ được xác lập lại, đúng sai, công “tội” của nguyên Giám đốc Nông trường Trần Ngọc Sương sẽ sớm được sáng tỏ.” 

Lê Thanh Tâm, phóng viên báo Tuổi Trẻ, 26/11/2009, viết:

Có một thực tế tuy không nói ra rộng rãi song ai cũng biết là quỹ trái phép có từ rất lâu, vốn tồn tại ở không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan sự nghiệp có thu. Đến nay tình trạng lập quỹ trái phép vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nếu làm thẳng tay có lẽ còn không ít người phải vào tù… 

Quỹ trái phép vốn xuất hiện để lách qua những nguyên tắc cứng nhắc. Nó cũng là sản phẩm của sự xuống cấp đạo đức xã hội, đặc biệt là sự tha hóa trong một bộ phận cán bộ nhà nước. Ngoài chuyện lập quỹ trái phép để tham ô hay mưu cầu danh lợi cá nhân hoặc “chung chi” này nọ, người ta còn sử dụng quỹ này để chi đủ thứ như tiệc tùng, tiếp cấp trên, “bôi trơn” cho các đoàn kiểm tra, thậm chí để đón khách tham quan học tập, giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ ma chay… 

Có thể ai đấy sẽ nói rằng “các vị giám đốc ơi, đừng lập ‘quỹ đen’ nữa, có rất nhiều người hưởng quỹ này, nhưng chỉ có mình anh chết, dại gì mà chết oan uổng như vậy”. Lời khuyên ấy có vẻ thông minh nhưng thiếu thực tiễn. Không có “quỹ đen”, e rằng khó ngóc đầu dậy, công việc của đơn vị cứ vướng chỗ nọ, mắc chỗ kia, ì ạch mãi chẳng trôi. Nỗi khổ của các giám đốc là đây. 

Cũng trên Tuổi Trẻ cùng ngày, trong bài “Luật không phải là bẫy rập” của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện có đoạn:

“Vào những năm 1980, luật pháp chưa thiết lập các tiêu chí rành mạch giúp phân biệt giữa một bên là quỹ hợp pháp với bên kia là quỹ bất hợp pháp… 

Nếp làm việc đó tất yếu tạo ra thói quen lập luận ở cấp sơ đẳng, lấy mục tiêu của công việc để biện minh cho những phương tiện được sử dụng nhằm thực hiện công việc. Chẳng hạn, nếu mục tiêu của việc lập quỹ là chính đáng, như để giúp nhiều người có cuộc sống khả dĩ coi được trong bối cảnh khó khăn chung, để có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các cơ quan, tổ chức khác mỗi dịp lễ, tết… thì cách đạt mục tiêu, tức là lập quỹ để chủ động nguồn tài chính cần thiết, cũng chính đáng, cũng hợp đạo lý, lẽ phải…”


Cũng trên báo lao động:


“Phán xét theo luật hiện hành là quyền của các cơ quan hữu trách. Phán xét của lịch sử, của toà án lương tâm và của xã hội có thể khác. 

Luật chưa sát cuộc sống, sự cả tin vào một mô hình có thể đã khiến bà Ba Sương phạm tội theo câu chữ của luật hiện hành. Theo luật đời, theo luật tự nhiên thì bà không, nhiều lắm chỉ phạm tội lớn: "Tội nghiệp"!

Không ai có thể miệt mài suốt hơn 30 năm để tổ chức khai hoang biến hàng ngàn hécta đất bãi hoang sình lầy thành đồng ruộng tốt tươi như cha con bà Ba Sương? Theo luật của đời, được nhiều nước (kể cả nước ta từ xa xưa) phát hiện ra và luật hoá thành luật chính thống, những người khai khẩn ấy là chủ hợp pháp của các mảnh đất đó vì họ đã mang trí óc, công sức, mồ hôi nước mắt của mình trộn với đất hoang để biến nó thành đất màu mỡ. Đất đó thuộc sở hữu đích thực của họ. Nếu được như vậy, thì tôi nghĩ NTSH chẳng có vấn đề gì khó khăn về công nợ.” 

Giá như bà Ba Sương và các nông dân của NTSH là chủ đích thực của hàng ngàn hécta đất ấy và được luật pháp bảo hộ, thì đã chẳng có cái vụ án này. Lỗi là của những người khác chứ đâu phải của cha con bà Ba Sương và những người nông dân cần cù của NTSH. 

Biết bao người "lấn chiếm", "chiếm đoạt" vẫn hợp thức hoá được đất của mình và được "đền bù" thích đáng mỗi khi Nhà nước "giải toả đất". Cha con bà Ba Sương và những người nông dân NTSH đâu có "lấn chiếm", họ "khai hoang", "khẩn hoá" đất đai, một việc mà khi sinh thời cụ Hồ hết sức khuyến khích và bảo vệ. Đã đến lúc phải sửa lại tận gốc Luật Đất đai. 

Cái "tội" rất dễ thương của cha con bà Sương là sự cả tin vào một mô hình đã không còn sức sống, mô hình "nông trường quốc doanh", đã quá tin vào luật đất đai "hiện đại" và nhiều thứ khác và tìm mọi cách "đổi mới", "sáng tạo". Và sự đổi mới, sáng tạo một phần đã thực sự thành công với sự đổi đời của bao con người làm ăn sinh sống ở NTSH. Việc cha con bà Ba Sương đã tạo ra thực sự là một doanh nghiệp, một tổ chức "trang trại" kiểu mới, chẳng liên quan gì đến cái gọi là nông trường quốc doanh cả. 

Giá như bà Ba Sương nhanh nhạy biến nó thành một doanh nghiệp cổ phần mà cổ đông là bà con nông dân, hay một kiểu hợp tác xã mới, giành bằng được quyền sở hữu hay quyền sử dụng đất lâu dài, một quyền thực sự thuộc về họ, cho bà con NTSH trong đó có cả bà, thì chắc bà có thể giàu chẳng kém mấy đại gia tư nhân hay đại gia quốc doanh đã được cổ phần hoá và chắc được nhiều người có chức có quyền trọng vọng. Cha con bà đã chẳng có gì riêng mà chỉ chăm lo cho những người khác, đã quá tốt bụng, đã quá cả tin và nhẹ dạ. 

Cái tội "lập quỹ" trái quy định theo tôi chỉ là cái cớ để thực hiện việc "giao đất" cho các nhà tư bản mà chúng ta gọi mỹ miều là "nhà đầu tư" được dễ dàng. Tôi không hề có ác cảm với các "nhà tư bản", tôi chỉ tiếc cho bà Ba Sương - người về cơ bản đã làm theo đường "tư bản" nhưng lại không dám nhận vậy và cố ghép mình vào một mô hình đã hết thời. 

Có lẽ bà cũng đã nhẹ dạ nghĩ rằng "cây ngay không sợ chết đứng" và có thể chưa để ý đến một vài sai sót tài chính. Nhưng 8 năm tù giam cho cái tội nhẹ dạ, thì quả là bất công. Đấy cũng là bi kịch và sự "tội nghiệp" của bà. 

(Nguyễn Quang A)


Thực chất của vụ án 


Khi có lệnh khởi tố chị Ba Sương, nhận thấy có điều gì đó thiếu minh bạch, bất bình thường, ngày 8/05/2008, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư cho Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, như sau (trích):

Tôi được biết, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án xuất phát từ Thông báo kết luận của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tại cuộc họp ngày 18/3/2008, trong đó có chỉ đạo trực tiếp việc khởi tố vụ án, đồng thời cũng nêu rõ tội danh làm cơ sở khởi tố. 

Tôi không lầm thì thông thường việc này phải do cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát tiến hành. Tôi không rõ có những lý do gì bên trong để các đồng chí giải thích cho việc này: cơ quan Đảng chỉ đạo cơ quan điều tra khởi tố án. 

Việc Thành ủy Cần Thơ chủ trương và chỉ đạo vụ án ngay từ đầu đã được báo chí trong nước chứng minh bằng công văn số 1575/UBND-NC ngày 25/3/2008 của Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ do Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn ký thay Chủ tịch.

Thế nhưng, khi tờ Tiền Phong chất vấn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên chạy làng: “Thành ủy không có công văn trực tiếp chỉ đạo khởi tố vụ án”.

Còn với tờ Tuổi Trẻ, qua điện thoại ngày 20/11/2009, ông Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ, trâng tráo:

“Mức án mà tòa tuyên xử đối với chị Ba Sương như vậy là đã có tình có lý rồi. Ra tòa là quyền quyết định của tòa, Thành ủy không can thiệp gì cả”. 

Cái trước mâu thuẫn với cái sau, như gà mắc tóc trong các phát biểu của lãnh đạo Cần Thơ. Thành ủy chỉ đạo vụ án, tòa án Cần Thơ đã xử, vậy mà với báo Tiền Phong hôm 8/04/2010 ông Phạm Thanh Vận nói “vụ án Nông trường Sông Hậu không phải của Cần Thơ. Vụ án này, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cho rằng là một trong 17 vụ tham nhũng nghiêm trọng...”.

Quyết định kháng nghị hủy toàn bộ bản án để điều tra, xét xử lại từ đầu của VKSND Tối cao là gáo nước lạnh hắt vào mặt các quan chức thành phố Cần Thơ.

Trao đổi với tờ Lao Động hôm 7/04/2010, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể khẳng định toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm “có nhiều sai lầm, thiếu sót cả về nội dung và thủ tục tố tụng”.

Trước phản ứng mạnh mẽ của các tầng lớp xã hội và báo chí trong nước cũng như dư luận nước ngoài, sự kiện chị Ba Sương đã dẫn tới những cuộc trao đổi gây tranh cãi .

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói rằng, 

“khi một bản án được tòa tuyên, có hiệu lực pháp luật rồi thì phải được dư luận xã hội đồng tình, đấy mới là bản án nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người đúng tội. Còn bản án sau khi được tuyên mà dư luận lại không đồng tình thì phải xem lại”. 

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng,

“có điều gì đó chưa được nhuần nhuyễn trong quá trình vận dụng luật pháp” (VietNamNet 26/11/09). 

Cần nhắc lại rằng, trao đổi với báo chí, ông Trương Hòa Bình, chánh án TAND Tối cao khẳng định các cơ quan tư pháp trung ương:

“theo dõi rất sát vụ án với tinh thần khách quan, dứt khoát không bàng quan, vô cảm” và “bà Ba Sương đang bệnh nặng, không đủ sức khỏe đảm bảo việc thi hành án là lý do chính đáng để giải quyết cho bà được hoãn thi hành án” 

(Tuổi Trẻ 26/11/09).

Trao đổi với PV Lao Động, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao - ông Lê Hữu Thể cho biết:

Việc kháng nghị là để xem xét lại vụ án này một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách chính xác, toàn diện các chứng cứ liên quan, nhằm đảm bảo cho việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

(Duy Thanh) 

Trong cuộc trao đổi với Lao Động cuối giờ chiều ngày 7.4 xung quanh việc kháng nghị bản án xử vụ án lập quỹ trái phép tại Nông trường Sông Hậu, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể đã khẳng định: Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm có một số sai lầm, thiếu sót.


Mời bạn đọc bài thơ TRĂNG NGHẸN của HOÀI TƯỜNG PHONG

Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn, 
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ. 
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu, 
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân. 
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê, 
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu. 
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu, 
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi. 
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi: 
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất, 
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất, 
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa. 
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn, 

Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.



VẦNG TRĂNG: “Có lẽ là” CHỊ 3 SƯƠNG


Và với VTV1:




VTV1 đưa tin hai đứa trẻ Hy Lạp đã lấy những đồng tiền tiết kiệm trong lợn nhựa của chúng để đóng góp cho đất nước trả nợ chứ đừng mang một số hòn đảo, đất đai của tổ tiên chúng, gán nợ cho nước ngoài. Rất nhiều người lớn nghe tin đó đã cúi đầu…


Họ cúi đầu kính trọng và xấu hổ. Và như một sự vô tình, hành động của những đứa trẻ đã thổi vào lòng những người lớn trên nhiều quốc gia lòng tự trọng dân tộc và tình yêu tổ quốc.

Nợ là chuyện bình thường của mọi quốc gia. Ngay như nước Mỹ, nước Nhật còn là con nợ lớn của thế giới cơ mà. Vay là chuyện mà có lẽ người nào trong đời cũng phải vay ít nhất một lần và các quốc gia cũng như vậy. Nhưng vay để làm việc gì và trả nợ như thế nào mới là điều đáng nói? Tôi không biết vì lý do nào mà Hy Lạp nợ nước ngoài và vì lý do gì mà Hy Lạp không có cách nào trả nợ nước ngoài.

Nợ nước ngoài có nhiều cách. Nợ vì vay để đầu tư hồi phục nền kinh tế hoặc xây dựng những công trình chiến lược của đất nước. Không trả nợ được có thể vì những người lãnh đạo không biết điều hành đất nước mà cụ thể không biết sử dụng một cách hiệu quả nhất tiền vay. Không trả nợ được có thể vì nạn tham nhũng ăn vào quá lớn những đồng tiền đi vay ấy.

Cái nợ…còn cái nợ: bắn đại bác vào quá khứ Mà đây không phải là một quá khứ bình thường. Đây là một quá khứ đã được Tôn vinh, có lẻ nhiều đời sau còn nhớ, còn ngậm ngùi…còn thương tiếc. Chúng ta hãy ghi nhận quá khứ và tôn trọng lịch sử, hãy bắt đầu viết một trang mới chững chạc hơn, tự tin hơn. Nền tảng quá khứ đó là quy ước, là tiên đề trong toán học, nó là khởi đầu cho một bài toán.

Chúng ta không thể nói rằng nếu ta sanh ra cách đây gần 100 năm lúc đó ta chọn học tiếng Mỹ.

Chúng ta không thể nói rằng nếu ta sanh ra cách đây gần 100 năm lúc đó ta xem trực tiếp bóng đá thế giới 2010! , Xài laptop, xài mobifone, đi máy bay…

Chúng ta có niềm mơ ước, có hy vọng, có hoài bảo cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Nhưng hãy chia niềm mơ ước đó qua từng mục tiêu ngắn tầm vừa với sức mình để cuộc đời có nhiều cái tốt đẹp hơn, nhân hậu hơn. Đừng vội vàng làm “HỌC GIẢ” khi còn nhờ cấp dưới cầm cây bút đi thi hộ, khi chưa bao giờ cầm lấy cây AK để giữ gìn đất nước, bảo vệ bờ cõi, mà bây giờ hung hăng, hùng hổ sử dụng tới…SÚNG ĐẠI BÁC?!


Các bạn đọc kỹ ý kiến của Matthew Trump (1) như sau:

“Những hệ thiên văn điển hình không tuân thủ quy luật nói trên là hệ chứa ba hoặc nhiều hơn ba vật thể có quan hệ tương tác lẫn nhau. Poincaré chỉ ra rằng đối với những hệ loại này, một sai lệch vô cùng nhỏ trong dữ kiện ban đầu sẽ lớn dần lên theo thời gian với một tỷ lệ khổng lồ.

Do đó đối với cùng một hệ chuyển động, hai tập hợp dữ kiện ban đầu hầu như không phân biệt có thể dẫn tới hai dự đoán kết quả khác nhau một trời một vực.

Poincaré đã chứng minh một cách toán học rằng hiện tượng “bùng nổ” của những bất định vô cùng nhỏ trong dữ kiện ban đầu thành những bất định khổng lồ trong kết quả dự đoán sẽ vẫn tiếp tục xẩy ra ngay cả khi những bất định ban đầu được thu nhỏ tới kích thước nhỏ nhất có thể tưởng tượng được.

Nghĩa là, đối với những hệ này, dù cho bạn có thể thực hiện những phép đo dữ kiện ban đầu chính xác hơn tới hàng trăm hay hàng triệu lần hoặc hơn thế nữa, thì muộn hơn hay sớm hơn, tính bất định trong kết quả không hề giảm đi, mà vẫn vô cùng lớn.

Những phân tích toán học của Poincaré thực chất đã chứng minh rằng đối với những “hệ phức tạp”, muốn có một dự đoán kết quả chính xác ở bất kỳ cấp độ nào cũng đòi hỏi phải xác định được dữ kiện ban đầu với độ chính xác tuyệt đối.

Nhưng điều đó là BẤT KHẢ (impossible)!” 


Tại sao tôi trích ý kiến của Matthew Trump vào đây, bởi vì tôi quý ông Trần Ngọc Hoằng và chị ba Sương: “Nghĩa là, đối với những hệ này, dù cho bạn có thể thực hiện những phép đo dữ kiện ban đầu chính xác hơn tới hàng trăm hay hàng triệu lần hoặc hơn thế nữa, thì muộn hơn hay sớm hơn, tính bất định trong kết quả không hề giảm đi, mà vẫn vô cùng lớn.”

Tôi nhắc lại: 

“Cái tội "lập quỹ" trái quy định theo tôi chỉ là cái cớ để thực hiện việc "giao đất" cho các nhà tư bản mà chúng ta gọi mỹ miều là "nhà đầu tư" được dễ dàng. Tôi không hề có ác cảm với các "nhà tư bản", tôi chỉ tiếc cho chị Ba Sương - người về cơ bản đã làm theo đường "tư bản" nhưng lại không dám nhận vậy và cố ghép mình vào một mô hình đã hết thời.

Có lẽ chị cũng đã nhẹ dạ nghĩ rằng "cây ngay không sợ chết đứng" và có thể chưa để ý đến một vài sai sót tài chính. Nhưng 8 năm tù giam cho cái tội nhẹ dạ, thì quả là bất công. Đấy cũng là bi kịch và sự "tội nghiệp" của chị.”


Người về ta mới nhớ ra

TỘI là thế ấy TÌNH là thế thôi "

Người về ta mới nhớ ra

TÒA là thế ấy , ÁN là thế thôi !

Người về ta mới nhớ ra

NGƯỜI là thế ấy ,NGỢM là thế thôi !

"CHỊ" về , ta mới nhớ ra

TÌNH là thế ấy ,NGHĨA là thế thôi !

(TS-THD- tặng chị ba Sương , người của những nỗi niềm oan khuất )

Quê hương nếu ai không hiểu
Sẽ không “sống” nỗi thành người!


Hạnh phúc hay là nỗi đau?!
Đi đến tận cùng cũng chỉ là nước mắt! 



Người viết: Đỗ Xuân Thạnh

...............................................................................

3 Bình luận

  1. dũng hồ

    dũng hồ

    11:20 19-04-2010

    Ngày xưa , Đặng Trần Côn từng viết :
    " Thiên địa phong trần
    Hồng nhan đa truân "
    và  nữ sĩ  Đoàn Thị Điểm đã dịch rất tài hoa trong Chinh Phụ Ngâm  là :  

    Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
    Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên 

    Thôi thì , tặng chị Ba Sương  và cả bạn ĐXT ( nhân vật " vận khứ anh hùng ẩm hận đa " mà Đặng Dung từng viết ) một bài thơ của  thi sĩ Bùi Giáng để đọc chơi cho đỡ " sầu nhân thế " ( và nhắn riêng với 3 Thạnh rằng : Theo Kinh thánh  thì " tóc các ngươi trên đầu bao nhiêu cọng, Chúa đã đếm hết rồi " , và cái chuyện này  thì ....chắc cũng ..........   giống chuyện cọng tóc trong kinh thánh quá ! ) .     
                    Chiều hôm phố thị
    Em ngồi đếm lá bay chơi
    Đèn khuya phố thị
    Sao xưa sáng ở trên đồi cây rung
    Những lời cũ kỹ
    Một trời thu để nhớ nhung
    Chuyện đời giản dị
    Chiêm bao tay nắm vô cùng ngón tay
    Chuyện đời có thế
    Nỗi đời em có nhớ không
    Em về đây để
    Hồng nhan em hẹn hái bông cho đời
    Một lần em lại bên người
    Giữa ngày tháng bỏ năm trôi bên giòng
    Mở hai hàng cỏ long đong
    Mở hai môi mở tấm lòng xa xôi
    Chiều hôm đếm lá cây rơi
    Bên đèn phố thị thương đồi núi xa.
    B.G.
  2. dũng hồ

    dũng hồ

    11:32 18-04-2010
     

    Trẫm một mình nhớ nhung Hoàng hậu của Trẫm

    Trẫm ở bên trời
    Trẫm nhớ em
    Trên trời trẫm nhớ
    Trẫm thương thêm
    Trẫm buồn như thể
    Trời buồn thảm
    Trẫm khóc vô ngần
    Trẫm nhớ em
    Trẫm nhớ đêm nay
    Trẫm một mình
    Trẫm sầu ủ rũ
    Trẫm nín thinh
    Trẫm không dám gọi
    Trẫm buồn ngủ
    Trẫm sẽ chiêm bao
    Trẫm một mình.
    Bùi Giáng
  3. dũng hồ

    dũng hồ

    08:53 17-04-2010
    Bài viết của ĐỖ XUÂN THẠNH   rất hay !
    nhân dịp , xin " nhại "   cụ Hồng Sơn Liệp Hộ ,   tặng chị ba Sương , người của những nỗi niềm oan khuất , mấy câu sau :
     " Người về  ta mới nhớ ra
         TỘI là thế ấy TÌNH là thế thôi  "  
     và : 
         Người về ta mới nhớ ra
        TÒA là thế ấy , ÁN  là thế thôi !
        
     hay : 
    " Quan"   về ta mới nhớ  ra
    NGƯỜI là thế ấy ,NGỢM là thế thôi !
     

     Cuối cùng thì : 
     
    "Người "    về , ta mới nhớ  ra
    TÌNH là thế ấy ,NGHĨA là thế thôi !
     

    Chúc cho những " oan ức " của chị ( if any ) ,  sẽ được làm " sáng tỏ " . !
    Chúc cho " người hùng " của ĐXT      sớm được " giải oan "  !

    và xin gửi tặng chị ( và cả ĐXT, TG bài viết " đắc ý này ) ) một ý  thơ  :

    ...." Lòng xiêu xiêu hồn nức hương mai,
    Rạng đông về thức giấc hoa nhài.
    Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
    Chẳng biết xa lòng có những ai?
    ( Vọng Hải Đài - Phạm Hầu )

    THD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.........