-->

Trang Webblog của Skyskysky




Ngăn dòng
Thân mời quý bạn chọn các bản nhạc dưới để xem vv
Ngăn dòng
Phôi Pha_Khánh Ly Diễm xưa_Khánh Ly Tiếng hát Dạ Lan_Khánh Ly Về đây nghe em_KL_NNN Chiều Một Mình Qua Phố Em còn nhớ hay em đã quên - Khánh Ly Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui_Khánh Ly Khanh Ly_Ru Ta Ngam Ngui Ca Dao Mẹ - Khánh Ly Một Cõi Đi Về - Khánh Ly Video: THẦY TRẦN PHÁT LẠC Thời trang và ẩm thực_TTC Ghé thăm thầy Trần Phát Lạc Thầy tôi và bạn bè Khóa 66 - 71 Phỏng vấn Thầy TRẦN PHÁT LẠC Skyskysky Mỹ Lệ_Phố biển tình anh
Ngăn dòng

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Thầy cô thuở nhỏ - Phạm Hùng Dũng

Thầy cô thuở nhỏ

Bắt đầu đi học là lớp vỡ lòng. Cũng có thể gọi là trường làng, hay đúng hơn là trường xóm. Tất cả lũ nhóc xóm tôi đều bắt đầu bài học đầu tiên ở ngôi trường Khuyến Học. Trường này do thầy Nhuận trong xóm tôi làm chủ trường, nên quen kêu là trường ông Nhuận.

Một đám trẻ con lau nhau, ăn bận lôi thôi vì nhà nghèo cả, có đứa còn thò lò mũi xanh, hoác miệng đọc những bài học văn hóa đầu đời. Có những bài học thuộc lòng:

Kỳ nghỉ hè. Ta về quê. Nhà ta ở. Mé bờ đê
Nhà ta có. Mẹ cha ta. Cô và bà. Quý ta quá
Mẹ đi chợ. Cha ra ga. Bà ở nhà. Để giữ bé
Khi thư thả. Ta ra đê. Để thả bê. Nghĩ mà thú


Thời này dùng từ sách học còn lại hồi xưa. Miền Nam chưa kịp có sách giáo khoa. Từ ngữ Bắc kỳ rặt. Hình vẽ cũng thế: các bà cô váy đụp, yếm thâm, vấn khăn mỏ quạ, trẻ con tóc để chỏm. Áo tơi, mưa phùn, gió bấc. Heo thì kêu là lợn, bắp thì gọi là ngô.

Có bài buồn cười kể chuyện ông nhỏ nghịch ngợm, làm dê nhảy tứ tung, đổ hàng hóa tùm lum trong buổi chợ quê:

Thằng Tô nghịch láo. Buộc pháo đuôi dê. Dê nhảy tứ bề…

Hết vỡ lòng, vào tiểu học. Trường Thạc Gián ở Ngã Ba Cai Lang. Ngày đầu đến trường, ba tôi dắt đi học. Mùa thu nhập học ở Đà Nẵng là mùa mưa. Cơn mưa sáng dầm dề, hai cha con khoác tấm nhựa, đến giờ vẫn nhớ màu xanh. Đi luồn qua một con đường tắt. Hẻm nhỏ, những cành lá keo hàng rào nhà người ta gie ra vệ đường lẫm dẫm nước mưa. Một buổi đầu đến trường hoàn toàn không thi vị như Tôi đi học của Thanh Tịnh.

Năm năm tiểu học, chỉ còn nhớ cô Bích lớp một, thầy Bang lớp ba và thầy Cấp lớp năm. Không hiểu sao quên mất cô thầy lớp hai, lớp bốn.

Cô Bích luôn làm tôi nhớ diễn viên Mộng Tuyền với mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt tròn, da trắng, xinh xắn. Mà nhớ Mộng Tuyền là nhớ bài Mưa Rừng. Mưa rừng ơi mưa rừng. Hạt mưa nhớ ai mưa buồn tênh…

Thầy Bang gầy gò, tóc cắt ngắn, nhỏ con nghiêm khắc. Thầy có hai món độc chiêu là cái thước bảng to tướng và những ngón tay cứng như sắt, khẻ tay và cú đầu. Những phát khẻ bầm tay, những cái cú lủng đầu. Tôi từng nếm những cái cú đầu kinh khủng đó vì cái tội trong giờ học cứ hí húi vẽ vời người nhện người dơi.

Chắc vì nhiều lý do, hình ảnh người thầy cuối cấp tiểu học, thầy Hạ Ngọc Cấp, vẫn in đậm trong trí tôi mãi mãi: tôi gắn bó với thầy cả năm học, cả kỳ thi vào lớp sáu (quan trọng lắm thời bấy giờ), cả quãng thời gian sau này, với tư cách là một cậu trò cưng.

Thầy còn là thầy dạy cả ba anh em nhà tôi: anh Sơn và Tùng, em trai kế liên tục trong mấy năm.

Thầy còn là ba của Hạ Ngọc Tể, bạn chơi thân từ hồi nhỏ đó đến bây giờ.

Nhà thầy ở gần biển Thanh Bình. Từ nhà ra biển khoảng hơn trăm thước. Biển Thanh Bình thời ấy hoang vắng, sạch, cả xóm thường kéo nhau ra tắm ở đây. Ít khi sang Mỹ Khê, vì xa, vì biển ngang sóng lớn, người lớn ít khi cho trẻ con tắm ở bên đó. Mãi sau khi chiến cuộc tràn lan, dân tản cư về ở trên bờ biển Thanh Bình, dựng nhà sàn tá túc, dần dà đông đen, thành xóm nhà chồ, biển cũng nhớp (1)(tiếng Quảng nhe) dần.

Cạnh nhà thầy là nhà người em, thầy Hạ Ngọc Lăng, cũng nghiệp giáo viên. Con thầy Lăng là Hạ Ngọc Linh, học rất giỏi, nghe nói nay có tiếng tăm trong giới đại gia Sài Gòn. Tôi hay đến nhà thầy chơi, vì gắn bó với Hạ Ngọc Tể. Tuy không học cùng nhưng hai thằng đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Tể là người vỡ lòng tôi về niềm mê say âm nhạc, từ thổi harmonica, đến sáo, đến mandolin; dạy tôi cắt miếng gỗ hộp diêm hình răng cưa để kẻ năm dòng nhạc, chép các bài hát ưa thích; dẫn dắt tôi đến với tạp chí Tuổi Hoa, thổi bùng trong tôi niềm đam mê văn chương, hội họa. Tể tập viết chữ đẹp, khiến tôi cũng phải rèn theo. Chuyện Tể với tôi thì dài. Dài hơn cả cuộc chiến. Đành để dành trong một bài viết khác.

Ba Tể là thầy dạy tôi học. Tể là thầy rủ tôi… chơi. Hihi.

Cảnh nhà thầy thanh bạch, nề nếp. Nhà giáo ngày xưa, không giàu nhưng được toàn xã hội tôn trọng. Nhìn xã hội bây giờ, người thầy giàu lên, nhưng sự tôn trọng của xã hội giảm sút ghê gớm. Thật buồn và thật đáng sợ. Khi học trò cầm tiền trả cho thầy mua bằng mua điểm, rủ thầy đi nhậu nhẹt bia ấp bia ôm được thì có lẽ không còn gì để nói về giáo dục nữa rồi.

Cuối năm, thu hết can đảm, có sự tư vấn của ba mẹ, tôi mới dám gồng mình đi Tết thầy gói trà bánh. Vừa thưa vừa đánh lô tô trong bụng, chỉ sợ thầy la.

Thầy dong dỏng người, tóc loăn xoăn, mũi thẳng, trán cao, da ngăm ngăm, có vẻ như lai Ấn vậy. Đẹp trai hơn thằng kỳ nhân Tể nhiều. Nhà thầy có một bức cắt giấy chân dung thầy nhìn nghiêng màu đen (chắc ai cũng nhớ đến nghệ thuật cắt giấy này, giờ có vẻ mai một), giống như tạc. Không biết Tể còn giữ được không? Tôi thích mê bức chân dung này.

Kỷ niệm đầu tiên về thầy trong những ngày đầu vào lớp Năm thật đáng nhớ. Một bữa tôi bị kêu lên dò bài vệ sinh, nhớ như in là bài: Sốt. Bất phước bữa đó ham chơi, quên học bài, té sấp té ngữa tới trường, chỉ kịp liếc qua: sốt là phản ứng của cơ thể chống lại vi trùng Nhớ một câu đó thôi, còn bao nhiêu tắc tị. Cái thằng tôi, giọng to rổn rảng như cái nồi rang bể, vậy mà bữa đó lí nhí ngắc nga ngắc ngứ trong miệng, đành lãnh con zêrô về chỗ.

Tháng đầu tiên đó cộng điểm, chắc ngạc nhiên khi thấy thằng quỷ tôi, điểm gì cũng khá, sao lại bị một cái trứng ngỗng nằm đây, thầy bèn ra tay xóa tội vong nhân, miễn cho tôi con zêrô đó. Thế là tôi vọt lên đứng hạng ba. Chắc chỉ sau ĐX Thạnh và Huynh.

Lọt vào mắt xanh thầy, tôi tự hứa không bao giờ tái phạm vụ này nữa.

Năm cuối tiểu học hồi đó cực kỳ quan trọng, vì phải đối mặt với kỳ thi tuyển vào lớp sáu. Thi đậu vào trường công Phan Chu Trinh cho nam, hay vào trường công Hồng Đức cho nữ, vừa không tốn học phí cho cha mẹ, vừa là niềm hãnh diện lớn lao cho mình và cả gia đình thầy cô trường lớp. Rớt phải vào trường tư, có phần xấu hổ, lại tốn học phí. Đà Nẵng có ba trường trung học tư. Sao Mai của công giáo, Bồ Đề của phật giáo, Phan Thanh Giản của tư nhân. Tất nhiên, chất lượng dạy dỗ và kỷ luật nề nếp của trường công cao hơn rất nhiều.

Ở đây, chưa nói đến trường Kỹ Thuật chúng mình, vì trường tuyển sinh vào lớp tám.

Đám học trò cưng như tôi, ĐX Thạnh, Huynh… được thầy cho học ôn thi miễn học phí. Vừa có chiếu cố gia cảnh, vừa là sự tưởng thưởng cho những cố gắng dùi mài kinh sử trong năm.

Trẻ con nghĩ cũng tức cười. Đi học ôn thi thầy cho môn toán thang điểm 20, thay vì 10 như thường lệ ở cấp tiểu học. Khoái lắm khi thấy con điểm 20 đỏ rực trong vở mình, vì đây là thang điểm của cấp côi, tưởng như mình đã là học trò trung học, to như khẩu… đại bác. Hehe.

Trong tập tuyển lựa các bài văn hay của đám học trò lớp năm Đà Nẵng, thầy có chọn hai, một của tôi, một của Thạnh.

Bài tập làm văn của tôi kể chuyện mình vào một buổi chiều tối đi học về, xe đạp hư, phải dắt bộ băng qua nghĩa địa với nỗi sợ ma rùng rợn. Bài này hấp dẫn lắm à nhe. Nhưng thuần là tưởng tượng thôi. Chắc mầm văn chương của tôi ngúc ngoắc từ đây.

Chuyện thi vào lớp sáu cũng đáng nhớ.

Môn văn, lối nghị luận: Tại sao học phải đi đôi với hành? Môn này đối với tôi thì khỏi lo. Chuyện nhỏ.

Môn toán, bài chính và các câu lý thuyết không có gì khó khăn, nhưng có một câu hỏi làm tôi bí rị: đại lượng tỷ lệ nghịch là gì, cho ví dụ? Không biết đầu óc thằng tôi lúc đó bị cái giống gì mà câu hỏi dễ như ăn kẹo này rơi vào một lỗ đen ngòm ngòm. Không nhớ gì cả, không một khái niệm gì cả về cái nội dung câu này. Đành bỏ trống.

Về, báo cáo với thầy, bị la cho một trận quá trời. Cái khó thì làm được, cái dễ ẹt lại vấp té nhào đầu. Ôi thôi là mắc cỡ.

Kết quả thi năm đó vào Phan Chu Trinh, tôi xếp thứ ba. Thám Hoa. Hai thằng nhất nhì, Trạng Nguyên Bảng Nhỡn, hơn tôi 1 điểm và 0,25 điểm. Nếu trúng câu lý thuyết trên tôi có một điểm nữa, chia đôi bảng vàng với thằng Trạng Nguyên rồi. Mình mất ăn đã đành, nhưng cái không làm vẻ vang cho thầy mới là nỗi tiếc nuối lớn nhứt.

Rồi lớn lên, từ Phan Chu Trinh qua Kỹ Thuật, tôi vẫn ghé nhà thầy, đến chơi với Tể. Đến 75.

Cái biến động dân tộc, đất nước đến từng gia đình, mỗi người. Hàn gắn và đổ vỡ. Sum họp và tan tác. Son vàng và bùn đen. Hy vọng và vô vọng. Ra đi và ở lại.

Hình như gia đình thầy đi KTM. Đaclak rồi BMT. Đâu có tin tức gì giữa một nồi súp dekhổng lồ đang trộn lộn lạo xã hội từ trên xuống dưới. Những tạp chí Tuổi Hoa, Hoa Xanh Hoa Đỏ Hoa Tím, những Duyên Anh Từ Kế Tường Đinh Tiến Luyện Nhật Tiến, những Da Vàng Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng Bình Ca… ra đi, như Tể ra đi. Mất hút trên đời sống quay quắt của tôi.

Hơn mười năm sau mới gặp lại Tể tại BMT. Lúc đó Tể đang học kiến trúc. Mới biết thầy đã mất. Tôi không có được một tin báo trễ, một nén nhang lẻ, một đóa hoa suông kính viếng thầy. Thật buồn.

Lúc Tể còn ở BMT, hai thằng gặp nhau ở căn nhà nhỏ của Tể trên đầu một con dốc lớn. Phía trước nhà là một thung lũng rộng dài tràn ngập một màu xanh núi rừng nương rẫy. Lãng mạn kinh hồn. Rượu hội ngộ, kỷ niệm hội ngộ.

nhớ thầy.

Tôi thường bị người ta lầm với hai nhân vật. Một là giống ông thầy tu, linh mục. Hai là giống ông thầy giáo. Bạn chơi ở Nha Trang có thơ vịnh rằng:

Nobita – Dũng xứng tầm
Nhạc thơ văn cũng nở mầm vui chơi
Biên tập là số một rồi
Tánh thời điềm đạm, chơi thời nghiêm trang
(Phù Trầm)

Được lầm là ông linh mục, bà xã tôi vui lắm. Vì bà xã có đạo, khoái vụ tu hành, đồng thời bớt lo em nào lăm le tán tỉnh ông chồng mình. Hehe.

Được lầm là ông thầy, tôi vui lắm. Dù chơi mà để bạn nói nghiêm trang thì cũng kỳ. Dấu ấn một ông thầy trong tôi là dấu ấn của các thầy cô trong đời mình, đậm nét nhứt là thầy Hạ Ngọc Cấp, người thầy không thể quên của tôi.

Thầy cô như một họa sĩ truyền thần vẽ chân dung bổn lai diện mục của mình cho cuộc đời qua đám học trò yêu quí.

Ngay như ĐX Thạnh, thấy ăn nhậu tối ngày, nhưng qua các bài viết gần đây: rõ ràng, khúc chiết, hóm hỉnh… tôi vẫn mường tượng hình ảnh của thầy HNC trong từng câu văn của bạn.

Tất nhiên rồi. Bạn cùng thầy mà.

Phạm Hùng Dũng
Nha Trang 12/6/2010

(1) dơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

.........